Menu
Menu
vi / en
Close
vi / en

1961 – 1969VIỆN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC

 

Hòa cùng không khí phấn khởi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Ngành Kiến trúc Xây dựng bắt đầu kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý của ngành, đồng thời tiếp tục tập trung sản xuất, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho miền Nam.

Do các tỉnh miền Bắc chưa có tổ chức thiết kế, Viện Thiết kế Kiến trúc đảm nhiệm thiết kế hầu hết các công trình công cộng lớn: trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, khu nhà ở cấp tỉnh. Nhiều thành phố, thị xã khác được phục hồi, cải tạo, hình thành và phát triển.

Ảnh: KTS Nguyễn Cao Luyện, Khổng Toán, Trần Hữu Tiềm, KS Phạm Đình Biều đón KTS Liên Xô sang thăm Việt Nam (1962)

Năm 1964, Mỹ leo thang, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Viện phải vừa thiết kế các công trình xây dựng, vừa tham gia khôi phục các công trình bị bom Mỹ đánh phá, sơ tán các cán bộ còn lại để bảo toàn lực lượng. Được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, Viện đã bí mật thiết kế các mẫu hầm trú ẩn, thiết kế 132 hầm phòng không, 16 khu sơ tán phòng không, thiết kế và xây dựng 21 công trình phòng không trong hang, thiết kế tường che chắn cho 12 công trình trọng yếu lớn nhỏ như các nhà máy điện Yên Phụ, Việt Trì, Đài phát sóng Mễ trì…Để có được những kết quả ấy, các cán bộ của Viện đã phải vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, mạo hiểm tính mạng tiến hành các cuộc thử nghiệm nghiên cứu sát thương bom thiết kế các vật liệu và phương pháp phòng chống bom hiệu quả nhất.

Ảnh: Đang cập nhật: Thứ trưởng Vũ Quý cùng lãnh đạo Viện kiểm tra thi công Khu Nhà ở Dệt 8/3.

Một công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ là công trình Cột cờ Hiền Lương, được Viện thiết kế năm 1962 bằng kết cấu thép cao 38.5 m tại bờ Bắc sông Bến Hải, đầu cầu Hiền Lương. Tuy có quy mô nhỏ, công trình lại đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật khó khi: đảm bảo thời gian thi công ngắn nhất, nhưng kết cấu phải bền vững khi trên đỉnh treo lá quốc kỳ rộng 134m2 với sức gió mạnh. Được Viện thiết kế thành công, công trình Cột cờ Hiền Lương trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đấu tranh tuyên truyền giữa hai bên ở vùng giới tuyến..

Tại Hà Nội, Hội trường Ba Đình, đặt tại trung tâm của quảng trường Ba Đình, do KTS Trần Hữu Tiềm và KTS Nguyễn Cao Luyện thiết kế) là công trình lớn tiêu biểu của thời kỳ này. Hội trường Ba Đình đã đóng vai trò là công trình lịch sử của đất nước qua nhiều thập kỷ cho tới ngày nay.

Lực lượng cán bộ trẻ từ các trường trong và ngoài nước được bổ sung vào lực lượng của Viện đã sử dụng những kiến thức mới, bắt đầu thiết kế các kết cấu theo trạng thái giới hạn thay thế phương pháp “ứng suất cho phép” trước đó, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quy phạm thiết kế, biên dịch của Liên Xô (cũ), Trung Quốc. Viện cũng đã khởi xướng áp dụng đại trà phương pháp gia cố nền đất yếu bằng cọc tre và tầng đệm cát, phương pháp chống thấm sàn – mái bằng cách ngâm nước xi măng, được áp dụng cho đến tận ngày nay.

Những nghiên cứu về Nhà ở, Nhà trẻ, Cửa hàng, Khách sạn, Bệnh viện, Trường học của Viện đã đặt nền móng cho việc biên soạn các nguyên lý thiết kế, các tiêu chuẩn quy phạm thiết kế của Việt Nam, tạo điều kiện nâng cao chất lượng thiết kế và quản lý ngành Xây dựng.

 Một số công trình tiêu biểu

1/ Hội trường Ba Đình

2/ Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP Thái Nguyên)

3/ Đại học Nông nghiệp

4/ Viện nghiên cứu Đông y, Hà Nội

5/ Trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ (nay là Thị ủy Nghĩa Lộ)

6/ Khu nhà ở Kim Liên