Sau ba năm sát nhập ba viện, năm 1978, Viện Xây dựng Đô thị và Nông thôn lại được tách ra và Viện lúc này đổi tên thành Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng.
Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng tồn tại trong bối cảnh xã hội biến động ở hai cơ chế nhà nước, mô hình hoạt động của Viện cũng trải qua hai trạng thái: Viện bao cấp và viện hạch toán kinh tế.
Trong thập niên thứ ba này, việc xây dựng nhà ở trở thành nhiệm vụ xã hội vô cùng quan trọng. Viện đã thành công trong việc phát triển nhà ở lắp ghép theo phương thức đúc sẵn song song với việc hoàn thiện phương thức truyền thống, đưa vào xây dựng hàng loạt tại khu nhà ở, tiêu biểu là khu nhà Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, các Khu nhà ở cho chuyên gia nước ngoài trên Thuỷ điện sông Đà, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Uông Bí, Phả Lại, giải quyết nỗi bức xúc rất lớn về chỗ ở cho các cán bộ và nhân dân.
Tại các địa phương, Viện triển khai thiết kế phần lớn các công trình công cộng cấp huyện, tỉnh. Viện cũng có một xưởng đặc trách thiết kế mẫu nhà cấp huyện, nhà nông thôn và vùng kinh tế mới.
Lễ trao giải “Cuộc thi Sáng tác Nhà ở” của Viện, năm 1986
Ngoài công tác thiết kế, Viện đã tham gia bổ sung và nâng cao hàng chục tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế cũ, hoàn thiện các phương pháp tính toán và thiết kế kết cấu mới để áp dụng trong cả nước. Viện cũng thực hiện các đề tài nghiên cứu về nhà ở, về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở căn hộ. Cuộc thi Mẫu nhà ở toàn quốc năm 1978 do Viện tổ chức đã cho ra đời hàng loạt kiểu nhà ở mới, được triển khai thiết kế thi công và áp dụng xây dựng tại nhiều địa phương trong cả nước.
Viện còn thiết kế nhiều công trình công cộng khác: các công trình bệnh viện: mở rộng bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, thiết kế mới Viện Đông y, Viện Mắt Trung ương, … các công trình giáo dục, trường học; các công trình văn hóa thể thao… Các kiến trúc sư của Viện đã tạo ra những quần thể kiến trúc sinh động, đã chú ý đến việc phân giai đoạn nghiên cứu các giải pháp kiến trúc và kĩ thuật đối với các dự án có quy mô lớn, phù hợp với thực tế cấp vốn đầu tư của Nhà nước. Do xử lý tốt theo không gian 3 chiều, từ việc giải quyết không gian cho từng đơn thể đến tổ hợp cả quần thể đều luôn quan tâm đến các yếu tố vi khí hậu cũng như tạo hiệu quả thẩm mỹ. Các công trình do xưởng Thiết kế tại Lào của Viện thiết kế và xây dựng trong giai đoạn trước đã được Đảng và Chính phủ bạn khen ngợi và trao thưởng nhiều Huân, Huy chương.
Năm 1978, Viện được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các cơ quan liên quan và chuyên gia Liên Xô nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch địa điểm, tổ chức thi sáng tác và thiết kế kỹ thuật, trưng bày phương án cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cùng với Lăng Bác, Hội trường Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh và sau này là cải tạo Phủ Chủ tịch, thiết kế quy hoạch khu Trung tâm Chính trị Ba Đình, Viện đã tham gia chủ trì và thiết kế tất cả các dự án quan trọng của khu vực quanh quảng trường Ba Đình, trái tim của cả nước.
Năm 1986, Đại hội VI đề ra quan điểm đổi mới toàn diện đất nước. Những chủ trương, chính sách mới đã gợi mở, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, giải phóng năng lực sản xuất của xã hội.
Lúc này, Viện không thể phụ thuộc vào nguồn việc nhà nước chỉ định mà phải chủ động tăng cường tìm kiếm. Năm 1989, Viện trao một phần quyền cho các xưởng, đơn vị thiết kế trực thuộc, hình thành các xí nghiệp có con dấu riêng, linh hoạt khai thác thị trường. Mô hình này sau đó áp dụng cho đến năm 1997.
Ảnh: Đang cập nhật: Trường THCS Việt Nam – Angieri
Để chuẩn bị cho một giai đoạn đổi mới của đất nước, nhiều cán bộ của Viện được cử đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài.
Trong 15 năm Viện mang tên Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng, Viện đã đóng góp rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, góp phần biên soạn, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quy phạm của ngành. Những đóng góp của Viện được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng ba Huân chương cao quý:
Năm 1980: Huân chương Lao động hạng Hai
Năm 1985: Huân chương Lao động hạng Nhất
Năm 1990: Huân chương Lao động hạng Nhất
Ba thập kỷ trước, thế hệ KTS và KS đầu tiên của Viện là những người tiên phong đặt nền móng cho nền thiết kế kiến trúc nước nhà. Sau ba mươi năm, thế hệ thứ hai của Viện lại tiếp nối của cha anh miệt mài làm việc và nghiên cứu, chuẩn bị hành trang bước vào thời kỳ đổi mới.
Một số công trình tiêu biểu
1/ Bảo tàng Hồ Chí Minh
2/ Trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam
3/ Trường Đại học Tài chính kế toán
4/ Khách sạn 241, Chèm, Hà Nội
5/ Khách sạn Bộ Xây dựng tại Sầm Sơn, Thanh Hóa