Từ những thành quả trong ba năm đầu tiên sau hòa bình (1955 – 1958), miền Bắc bước vào giai đoạn bắt đầu phát triển nền kinh tế, văn hóa chủ nghĩa xã hội, định hướng phát triển công nghiệp và xây dựng dân dụng. Tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội Khóa I quyết định tách Bộ Thủy lợi – Kiến trúc thành Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc, KTS Nguyễn Văn Ninh tiếp tục được cử giữ chức Cục trưởng.
Cục Thiết kế Dân dụng ban đầu chỉ có 5 KTS, mỗi người phụ trách một tổ thiết kế khoảng hai chục người. Ngoại trừ một số cán bộ là họa viên thời Nha Công chính Đông Dương và họa viên được Vụ Kiến trúc đào tạo ở Việt Bắc, hầu hết cán bộ là các kỹ thuật viên trung cấp kiến trúc mới ra trường.
Lúc đó, Bộ Chính trị ra nghị quyết về quy hoạch và mở rộng Hà Nội. Theo đó, Bộ Kiến trúc đã chỉ đạo các KTS của cục tham gia đoàn công tác thiết kế, quy hoạch cải tạo và mở rộng thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo trình bày trước Hội đồng Chính phủ Quy hoạch thủ đô Hà Nội (1959)
Năm 1960, để kỷ niệm 15 năm Quốc khánh và tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước, Cục Thiết kế Dân dụng được giao chủ trì thiết kế và xây dựng lại Lễ đài Ba Đình với kiến trúc mới bằng vật liệu kiên cố, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng ngày Quốc khánh 2/9/1960.
Vượt qua những điều kiện thiếu thốn, bằng trí tuệ và tài năng, tập thể cán bộ Cục Thiết kế Dân dụng đã thiết nhiều công trình Dân – Chính – Đảng trên địa bàn Hà Nội: Tổng Cục Thống kê (nay là trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trụ sở Ban Trị thủy Sông Hồng, …. Hàng loạt các công trình trường học, bệnh viện: Trường Phụ vận Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương… cùng các cửa hàng bách hóa tổng hợp.
Họ vừa hăng say lao động, vừa nghiên cứu sáng tạo.
Một giai đoạn đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng rất vinh quang và tự hào!
Một số công trình tiêu biểu
Lễ Đài Ba đình năm 1960
Tổng cục Thống kê (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Trường Đại học Thủy lợi