Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Cũng từ đây, theo Hiệp Ðịnh Genève, đất nước tạm chia cắt hai miền Nam – Bắc tính từ vĩ tuyến 17.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn thủ đô, trong đoàn các cơ quan Đảng và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội có những kiến trúc sư tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông dương những năm 1930. Sau này họ trở thành những người đặt nền móng hình thành tổ chức tiền thân của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP ngày nay.
Ngày 06 tháng 04 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Nha Kiến trúc (thuộc Bộ Giao thông công chính), cơ quan Thiết kế Kiến trúc đầu tiên của Nhà nước, tiền thân của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) ngày nay. KTS Nguyễn Văn Ninh (nguyên lãnh đạo Vụ Kiến trúc – Bộ Giao thông Công chính) được giao nhiệm vụ tiếp quản Nha Kiến trúc.
Ảnh: Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh (Người ngoài cùng, hàng đầu bên trái) – Lãnh đạo đầu tiên của tổ chức tiền thân của VNCC cùng Thầy và trò trường Mỹ Thuật Đông Dương , những năm 1920.
Lực lượng nòng cốt của Nha Kiến trúc lúc đó gồm KTS Nguyễn Văn Ninh (GĐ), KTS Nguyễn Cao Luyện, KTS Nguyễn Ngọc Chân, KTS Đoàn Văn Minh và Kỹ sư Phạm Đình Biều (nguyên GĐ Nha Công chính Bắc Việt – thời Pháp). Họ vừa đảm đương nhiệm vụ quản lý, phát triển tổ chức, lại vừa trực tiếp sáng tác hành nghề chuyên môn.
Ngay sau khi thành lập, Nha đã được giao nhiệm vụ đặc biệt thiết kế, xây dựng Lễ đài và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại quảng trường Ba Đình để đón Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô.
Đến tháng 9 năm 1955, Bộ Giao thông công chính được tách thành Bộ Giao thông – Bưu điện và Bộ Thủy lợi – Kiến trúc do ông Trần Đăng Khoa làm Bộ trưởng. Nha Kiến trúc là cơ quan trực thuộc Bộ Thủy lợi – Kiến trúc, vẫn do KTS Nguyễn Văn Ninh làm Giám đốc.
Nhiệm vụ của Nha Kiến trúc lúc này là tập trung thiết kế phục hồi các đô thị, ổn định việc hồi cư – định cư và nhu cầu ăn ở của cán bộ, nhân dân. Những công trình của giai đoạn này có thể kể đến khu nhà ở của cán bộ công nhân viên chức 2 tầng kết cấu bằng gỗ, vách toóc si tại Hàm Tử Quan bên bờ sông Hồng, Hà Nội (KTS Trần Hữu Tiềm); và một số công trình quốc kế dân sinh khác.
Những công trình trọng điểm khác trọng điểm quốc gia là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (công trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng III, sau là nơi đào tạo cán bộ chính trị Trung ương cao cấp) do KTS Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm, KS Phạm Đình Biều thiết kế. Các công trình trụ sở khác như: trụ sở Bộ Lâm nghiệp, trụ sở Ủy ban Khoa học Xã hội, trụ sở Ban Trị thủy Sông Hồng đã kịp thời đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ.
Năm 1957, Nha Kiến trúc vinh dự được Bác Hồ giao nhiêm vụ thiết kế nhà sàn làm nơi nghỉ và tiếp khách làm việc của Bác.
Ảnh: Bác Hồ chụp ảnh với cán bộ thiết kế cùng các chiến sỹ thi công xây dựng Nhà sàn (KTS Nguyễn Văn Ninh ngồi thứ 5 bên phải sang) ảnh tháng 5/1958.
Những năm tháng thủa ban đầu đó là những năm cực kỳ khó khăn và thiếu thốn, nhưng với sự nhiệt tình và lòng yêu nghề tha thiết, chỉ với những công cụ giản đơn như bút chì, tê, ke gỗ, bút mỏ vịt, phương tiện in bằng ánh sáng mặt trời… những kiến trúc sư, kỹ sư và những cán bộ kỹ thuật đầu tiên của Nha Kiến trúc đã thiết kế hàng chục công trình, để lại dấu ấn không phai trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.
Một số công trình tiêu biểu
Lễ Đài Ba Đình đầu tiên năm 1955. Công trình do KTS Nguyễn Văn Ninh thiết kế.
Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Công trình do KTS Nguyễn Ngọc Chân, KTS Trần Hữu Tiềm và KS Phạm Đình Biều thiết kế
Trụ sở Ủy ban Khoa học Xã hội
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ
Nhà sàn Bác Hồ