Ảnh: Đang cập nhật: Lễ ra mắt Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam
Năm mươi năm, các thế hệ của VNCC đã nỗ lực không ngừng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử trên chặng đường nửa thể kỷ tồn tại để xây dựng VNCC trở thành một thương hiệu hàng đầu trên thị trường tư vấn xây dựng Việt Nam.
Khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, thì VNCC phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn, với những thách thức lớn hơn từ những thương hiệu hàng đầu thế giới. Trước bối cảnh ấy, VNCC một lần nữa có những chuyển đổi mang tính bước ngoặt để tập trung mọi nguồn lực, hội tụ sức mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiến bước trên hành trình xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế.
Giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, bước ngoặt quan trọng đánh dấu thời kỳ phát triển và hội nhập là việc thành lập Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam theo quyết định 1061/QĐ-BXD ngày 21/7/2006 của Bộ trưởng Bộ xây dựng trên cở sở sắp xếp tổ chức lại các đơn vị tư vấn trực thuộc Bộ Xây dựng, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. VNCC trở thành Công ty mẹ với 9 Công ty thành viên bao gồm:
Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khảo sát và Xây dựng (USCo)
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình Vật liệu Xây dựng (CCBM)
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị (VCC)
Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC)
Công ty CP Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định XD (CONINCO)
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Tổng hợp (NAGECCO)
Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE)
Công ty Cổ phần Tin học và Tư vấn Xây dựng (CIC)
Công ty TNHH MTV Kiểm định Kỹ thuật, An toàn, Tư vấn XD (INCOSAF)
Thành lập Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam nhằm mục tiêu hình thành một tổ chức tư vấn mạnh, tập hợp và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức và các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nói chung và lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp nói riêng; có đủ năng lực tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp toàn bộ các công việc tư vấn đối với các dự án trong và ngoài nước có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và có giá trị thẩm mỹ cao; đủ sức cạnh tranh với các tổ chức tư vấn nước ngoài trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Một sự đổi mới về các phương pháp quản lý, cơ cấu tổ chức; Đào tạo, bổ nhiệm những cán bộ trẻ có năng lực, trách nhiệm, năng động, nhạy bén… vào các vị trí quản lý các đơn vị đã nâng cao uy tín, thương hiệu của Tổng Công ty trên thị trường Tư vấn Xây dựng Việt Nam và khu vực.
Bộ máy lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt, với sự đổi mới về tư duy và phong cách quản lý, quy mô các dự án và chất lượng dịch vụ tư vấn ngày một lớn.
Thể loại công trình đã mở rộng, nhiều công trình xây dựng cao trên 30 tầng không còn là vấn đề đối với cán bộ kỹ thuật trong Tổng Công ty. Hàng loạt công trình có quy mô lớn, 30-40 tầng với yêu cầu cao về kỹ thuật, thiết bị, công nghệ được VNCC thiết kế.
Tổng Công ty còn tích cực tham gia giúp Bộ thực hiện chỉ đạo và quản lý vĩ mô: các Hội đồng Tư vấn giúp Lãnh đạo Bộ, Hội đồng nghiệm thu các đề tài, soạn thảo, góp ý các quy chế, nghị định của Bộ,…
Các dịch vụ tư vấn của Tổng công ty đa dạng, đáp ứng nhiều yêu cầu đòi hỏi khác nhau của thị trường, đảm bảo thực hiện tốt các công trình có ý nghĩa về mặt an ninh, chính trị theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của Bộ Xây dựng. Điển hình như các công trình: Nhà Quốc hội, Nhà làm việc của Ban Nội chính – Ban Kinh tế Trung ương, Trụ sở Bộ Công an, Trụ sở Kiểm toán Nhà nước…
Mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp tư vấn trong nước và nước ngoài, nhưng Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam đã duy trì và phát huy được thế mạnh của toàn bộ Tổng Công ty nói chung và các Công ty thành viên nói riêng. Những thương hiệu như VNCC, USCO, CONINCO, VIWASE, CDC, VCC, NAGECCO, CCBM… vẫn là những thương hiệu được lựa chọn đầu tiên của các cơ quan nhà nước, đối tác tư vấn nước ngoài khi tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam và qua đó tiếp tục khẳng định được vị thế của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam.
Giữa giai đoạn này, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong đó có nền kinh tế Việt Nam. Đối mặt với khủng hoảng, chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp như cắt giảm đầu tư công, ổn định thị trường tiền tệ – tài chính ngân hàng… Nhiều dự án bị tạm dừng hoặc chưa được triển khai. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng bị ảnh hưởng, thiếu việc, lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Trước bối cảnh đó, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty một mặt kiên định với những mục tiêu chiến lược dài hạn, một mặt điều chỉnh linh hoạt mục tiêu và những kế hoạch ngắn hạn để thích ứng với tình hình cụ thể. Tổng Công ty đưa ra những giải pháp đồng bộ từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến bộ
máy tổ chức.
Công tác sản xuất kinh doanh của của Tổng Công ty hàng năm đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch như sản lượng thực hiện, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do Bộ Xây dựng giao hoặc chấp thuận.
Tổng Công ty không chỉ lớn mạnh về uy tín, thương hiệu mà quy mô doanh nghiệp cũng không ngừng phát triển.
Năm 2013, Tổng Công ty tách Phòng Tổng hợp – một mô hình ghép chức năng tổ chức nhân sự, quản trị văn phòng, công tác Đảng đoàn và tin học truyền thông từ năm 1990 – thành hai đơn vị: Văn phòng Tổng Công ty và Phòng Tổ chức nhân sự và Phát triển nguồn nhân lực. Tổng Công ty cũng đã bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo văn phòng là những cán bộ trẻ, có năng lực và phẩm chất chính trị để điều hành các đơn vị sản xuất.
Một trong những mục tiêu trong giai đoạn này là đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác quốc tế. VNCC đẩy mạnh hợp tác với những Công ty và Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới như: SOM, Arquitecnico, LERA (Mỹ); GMP (Cộng hòa liên bang Đức); Arep (Pháp); NHK, NTT, MHF (Nhật); Heerin, Possco A&C, Mooyoung (Hàn Quốc); Arup (Anh); P&T, DPA, DP, Beca (Singapore)… với những dự án trọng điểm và những công trình lớn: Nhà Quốc hội; Trụ sở Bộ Công an; Bảo tàng Hà Nội; Khách sạn Mariott Hà Nội; Tháp tài chính Bitexco (68 tầng); Tháp Keangnam (72 tầng); Trụ sở Đài Truyền hình Việt Nam VTV.
Hợp tác quốc tế với các tư vấn hàng đầu thế giới để thực hiện các dự án lớn không chỉ mang đến công việc mà còn giúp VNCC tiếp cận được những thành tựu mới tiên tiến của các nước phát triển, ứng dụng trong tư vấn thiết kế xây dựng, phương pháp tổ chức quản lý, nâng cao năng lực cán bộ góp phần xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh.
Hàng trăm cán bộ được đạo tạo thông qua hợp tác đã được nâng tầm về quản lý, chuyên môn, ngoại ngữ. Đến nay trong các dự án quốc tế VNCC không chỉ đảm nhận thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công mà có thể tổng thẩu các dự án có yếu tố quốc tế tham gia.
2010 – 2016: TỔNG CÔNG TY TƯ VẤN XÂY DỰNG VIỆT NAM – TNHH
Ngày 22/7/2010, Bộ Xây dựng quyết định chuyển đổi hoạt động của Công ty mẹ Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt nam theo hình thức công ty TNHH một thành viên từ ngày 1/1/2011.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” Từ năm 2012, thực hiện chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ và quyết định số 456/QĐ-BXD ngày 05/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012-2015 (có tính đến năm 2020), Tổng Công ty đã tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức Công ty mẹ; sửa đổi, bổ sung điều lệ của Tổng công ty; triển khai xây dựng lại Chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020; tiến hành thoái vốn tại các công ty liên doanh, liên kết; thực hiện các thủ tục chuyển đổi, cổ phần hóa các công ty thành viên và theo kế hoạch, năm 2015 sẽ thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty.
Để ghi nhận được những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Tổng công ty Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 1 năm 2010 và năm 2015, kỷ niệm 60 năm thành lập, Tổng Công ty vinh dự đón Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 2.
Nhìn về những thành tựu đã đạt được trong gần mười năm qua, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự yêu mến của khách hàng, VNCC đã có một chiến lược phát triển hợp lý, còn phải kể đến sự nỗ lực, gắn bó của hơn 400 kiến trúc sư, kỹ sư, cán bộ của VNCC.
Một lớp cán bộ lãnh đạo thế hệ thứ 3 từ cấp Tổng công ty đến các văn phòng là những người có chuyên môn, yêu mến nghề nghiệp, có trách nhiệm với tập thể đang tiếp bước đàn anh đưa VNCC phát triển.
Hôm nay lớp cán bộ thế thứ ba đã tiếp nối xứng đáng truyền thống cha anh đưa VNCC lên tầm cao mới.