Menu
Menu
vi / en
Close
vi / en

1975 – 1978VIỆN XÂY DỰNG ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Giang sơn thu về một mối, Nam Bắc đã liền một dải, quê hương nay đã trở lại thanh bình. Với khí thế phấn khởi từ Bắc đến Nam, ngành Xây dựng có trọng trách xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Năm 1975, Bộ chủ trương sáp nhập ba Viện Thiết kế: Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Viện Thiết kế Công trình Kỹ thuật Đô thị và Viện Thiết kế Dân dụng thành Viện Xây dựng Đô thị – Nông thôn (mô hình viện thiết kế tổng hợp).

Viện Xây dựng Đô thị – Nông thôn với gần 1000 nhân lực, theo “Mô hình sản xuất lớn” được chia thành các xưởng tổng hợp, các Phân viện: Thiết kế phục vụ công trình Thuỷ điện Sông Đà, Thiết kế nước, phân viện Quy Nhơn, các phòng Nghiên cứu Kiến trúc, Kết cấu, Vật lý Xây dựng với.

Những công trình tiêu biểu của Viện trong giai đoạn này có thể kể đến Đại học Tài chính, Trường PTCS Việt Nam – Angiêri, các Viện nghiên cứu đầu ngành như: Viện Khoa học Nông nghiệp, …, các công trình công nghệ viễn thông: Bưu điện Bờ Hồ, Đài vệ tinh Hoa Sen, các công trình khách sạn phục vụ phát triển ngành du lịch, nghỉ dưỡng: khách sạn Công đoàn (Bãi Cháy), khách sạn Đồ Sơn – Hải Phòng, Nhà nghỉ Bộ Xây dựng ở Sầm Sơn – Thanh Hóa…Viện cũng tham gia khôi phục lại các công trình bị chiến tranh tàn phá như bệnh viện Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ.

Trường PTCS Việt Nam – Angiêri

Ngoài nhiệm vụ thiết kế, Viện còn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thiết kế xây dựng; biên soạn các tiêu chuẩn thiết kế, quy trình quy phạm và các tài liệu hướng dẫn áp dụng trong hoạt động thiết kế của ngành Xây dựng; cử cán bộ tham gia giảng dạy, hướng dẫn tốt nghiệp và thực tập cho sinh viên các trường Đại học Kiến trúc và Xây dựng.

Nơi đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ tiếp quản miền Nam

Sau năm 1975, Viện đã điều 147 cán bộ quản lý và chuyên môn, (phần lớn là những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc để học tập và rèn luyện) vào Nam để tiếp quản ngành xây dựng miền Nam. Hầu hết cán bộ của Viện được cử nắm giữ những chức vụ quan trọng như lãnh đạo các Sở Xây dựng, các Viện Thiết kế, Hiệu trưởng, Hiệu phó các Trường Xây dựng, còn lại đều là nòng cốt của lực lượng thiết kế ở các tỉnh phía Nam. Riêng đối với Tây Nguyên, Viện đã điều một Xưởng thiết kế đồng bộ gồm hơn 20 cán bộ vào công tác hẳn tại địa phương, ngày nay đã phát triển thành Công ty Tư vấn Thiết kế của Tỉnh.

Trước tình hình nhân lực phân tán, Viện được bổ sung thêm các KTS, KS tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và ngoài nước, các cán bộ được đào tạo sau đại học ở nước ngoài cũng tề tựu về khá nhiều. Thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư thứ hai được hình thành, trở thành những cán bộ chủ chốt gánh vác vai trò cán bộ đầu đàn của Viện sau này.

Thắp sáng tình hữu nghị Việt – Lào

Trong giai đoạn này, chính phủ Việt Nam giao Bộ Xây dựng thiết kế và xây dựng giúp Lào khu vực làm việc cho Trung ương Lào cùng hàng loạt công trình ở Viêng Say, Sầm Nưa, Lạc Sao, Khang Khay. Đây là một dự án quan trọng, có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và quy mô lớn.

Ngay sau đó, Bộ đã cử một đoàn thiết kế 32 thành viên (nòng cốt là các KTS và KS của Viện) sang Lào thực hiện những dự án trên. Viện cũng đã thành lập một xưởng thiết kế tại Viêng Say, Lạc Sao.

Đoàn Thiết kế của Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Lào tại lễ khánh thành Khách sạn Sầm Nưa

Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của Viện cho Ngành nói riêng và đất nước nói chung, năm 1975, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện.

Ba năm sau chiến tranh là ba năm thay đổi và xáo trộn cả về tổ chức và nhân sự. Tuy nhiên, các thế hệ của viện, thế hệ trước chỉ bảo thế hệ sau, cán bộ lớp sau cập nhật những kiến thức mới, công nghệ mới. Hai lớp cán bộ cứ thế cùng nhau cống hiến và xây dựng Viện, tạo nên lực lượng cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm, chính họ là những người gánh trọng trách đưa VNCC trên con đường đổi mới.

Một số công trình tiêu biểu

1/ Khu nhà ở cho các Đoàn Ngoại giao

2/ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô

3/ Viện Nghiên cứu Toán học

4/ Một số công trình nhà làm việc của Trung ương Lào tại Viêng Say, Sầm Nưa, Lạc Sao, Khang Khay

 

<