Menu
Menu
vi / en
Close
vi / en

1969 – 1975: VIỆN THIẾT KẾ DÂN DỤNG

Sau trận Mậu Thân 1968, Mỹ ráo riết chuẩn bị chiến dịch ném bom đánh phá miền Bắc. Bộ Xây dựng chủ trương “giảm tiến độ xây dựng, chuyển hướng phục vụ cho chiến đấu”, toàn ngành thực hiện nhiệm vụ: vừa đảm bảo sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, vừa có kế hoạch bảo vệ lực lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, một mặt Viện chuyển đại bộ phận cán bộ đi sơ tán làm công tác nghiên cứu khoa học, hình thành các tổ chức thiết kế nòng cốt, hướng dẫn chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới giúp các tỉnh về nghiệp vụ và thiết kế xây dựng công trình tại các tỉnh miền Bắc. Bộ Xây dựng cử đoàn cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ ưu tú của Viện tham gia thiết kế một số công trình trong vùng giải phóng và khu làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chuẩn bị cho cách mạng giải phóng miền Nam.

Tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam qua đời. Thực hiện mong muốn bảo quản thi hài Bác của Đảng và nhân dân cả nước, Viện đảm nhận trọng trách tham gia các công việc liên quan đến xây dựng nơi bảo vệ thi hài Người. Tổ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (đơn vị được Viện thành lập năm 1970) hợp tác thiết kế với các chuyên gia Liên Xô thiết kế, đề xuất mẫu Lăng.

Ảnh: đang cập nhật: Tổ thiết kế đang chuẩn bị mô hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Hồ Chủ tịch được chính thức khởi công vào ngày 2/9/1973, là kết tinh của lao động sáng tạo của các kiến trúc sư, kỹ sư Liên Xô và Việt Nam. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay trở thành công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá quan trọng nhất của Thủ đô và cả Nước.

Đầu những năm 70, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cao trào là trận đánh bom 12 ngày đêm xuống thủ đô Hà Nội. Một lần nữa các công trình phục vụ thời chiến do Viện thiết kế lại góp phần bảo vệ Thủ đô, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Đất nước lại bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục các công trình công nghiệp – giao thông.
Năm 1973, Nhà nước sát nhập Bộ Kiến trúc và Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước (hai cơ quan cấp Bộ) thành Bộ Xây dựng, với chức năng chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản. Phó Thủ tướng Đỗ Mười trực tiếp giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng Vương Quốc Mỹ phụ trách kiến trúc quy hoạch. Viện Xây dựng Công nghiệp được Bộ thành lập, KS Ngô Duy Cảo từ Viện Thiết kế Dân dụng được cử làm Viện trưởng.

Giai đoạn này, nhiều chuyên gia từ các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa đã sang giúp đỡ Việt Nam tái thiết đất nước. Để đáp ứng nhu cầu ăn ở của các chuyên gia, sứ quán, khách quốc tế và nhân dân trong nước, Viện đã thiết kế nhiều công trình khách sạn, nhà nghỉ ở nhiều tỉnh thành phía Bắc như: Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội); Khách sạn Vị Hoàng (Nam Định); Khách sạn Thái Bình (Thái Bình); Khách sạn Xuân Hòa; Khách sạn Đồ Sơn (Hải Phòng); Nhà nghỉ Công đoàn Bãi Cháy (Quảng Ninh)…

Viện Thiết kế Dân dụng đã nghiên cứu thiết kế một số mẫu nhà điển hình, đưa vào xây dựng phục vụ nhân dân. Quy hoạch tổng thể tiểu khu nhà ở với các công trình công cộng và kỹ thuật hạ tầng được đồng bộ hơn: tiểu khu nhà ở Trung Tự; tiểu khu nhà ở Giảng Võ (Hà Nội); khu nhà ở Xuân Hòa, Phúc Yên;

Song song với việc thiết kế các công trình, Viện đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như: gia cố nền đất yếu bằng cọc cát với máy rung BBPC – 20/11 ở Viện Đông y, thiết kế vỏ mỏng hai chiều, mặt bằng vuông 15,3×15,3m có khẩu độ 15m; nghiên cứu về thông hơi, vật lý kiến trúc, các công trình xây dựng trong vùng chịu ảnh hưởng của gió Lào, về chiều cao tầng nhà ở, hướng gió, hướng nắng đối với nhà ở dân gian và xây dựng hàng loạt, bếp kín trong gia đình, trong khách sạn; thoát hơi, thoát khói, thiết kế chiếu sáng, lắp đặt thiết bị điện, chống sét, hệ thống cấp thoát nước trong nhà ở, nhà ăn, khách sạn và bệnh viện. Những nghiên cứu này đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, áp dụng rộng rãi trong toàn Ngành.

Một số công trình tiêu biểu

1/ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

2/ Nhà nghỉ công đoàn Xây dựng, Sầm Sơn, Thanh Hóa

3/ Khách sạn Thắng lợi

4/ Khách sạn Tây Hồ

5/ Khách sạn Công Đoàn, Quảng Ninh

6/ Nhà khách Hải Âu, Hải Phòng

7/ Khu biệt thự Đồ Sơn, Hải Phòng

8/ Ga xe lửa Hà Nội

 

<