Đến với những nhà hát này, độc giả không chỉ được thỏa mãn phần nghe mà còn choáng ngợp phần nhìn bởi đây là những nhà hát có kiến trúc đẹp nhất thế giới Hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của các nhà hát này nhé!
Nhà hát Heydar Aliyev ở Baku, Azerbaijan có thiết kế mềm mại tựa như những giọt nước khiến người ta liên tưởng tòa nhà màu trắng này đã được một cơn mưa đúc thành. Công trình mới khánh thành hồi tháng 5/2012, được đặt theo tên người cha quá cố của Tổng thống Ilham Aliyev – cố Tổng thống Heydar Aliyev.
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kilden (Na Uy)
Công trình này được thiết kế tích hợp để có thể phục vụ nhiều loại hình biểu diễn âm nhạc, như opera, nhạc kịch, hòa nhạc với bốn phòng biểu diễn riêng biệt, có sức chứa lên tới 1.200 khán giả.
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kauffman (Mỹ)
Trung tâm Kauffman có hai khu biểu diễn riêng biệt, một khu phục vụ biểu diễn hòa nhạc giao hưởng có thể chứa 1.600 khách một lúc, một khu phục vụ trình diễn múa balê có thể chứa 1.800 khách một lúc. Tổng số tiền đầu tư cho công trình này lên tới 304 triệu đô la (tương đương hơn 6.420 tỉ VNĐ).
Nhà hát Philharmonie (Đức)
Nhà hát Philharmonie có thể chứa 3.620 người một lúc. Công trình nhà hát Philharmonie là một ví dụ điển hình của kiến trúc hiện đại thời kỳ hậu chiến ở Đức. Công trình được hoàn thành năm 1963.
Nhà hát Tenerife Adán Martín (Tây Ban Nha)
Nhà hát Tenerife Adán Martín có phần mái cao nhất lên tới 50m. Thiết kế này nhằm đem lại ấn tượng công trình giống như một sinh vật sống đang chuyển động linh hoạt.
Trung tâm nghệ thuật Cidade (Brazil)
Trung tâm nghệ thuật Cidade nằm ở quận trung tâm của thành phố Rio de Janeiro. Khách đến đây có thể vào tòa nhà bằng lối thang bộ.
Nhà hát Esplanade (Singapore)
Được mở cửa từ tháng 10/2002, trung tâm hòa nhạc Esplanade hiện giờ là nơi diễn ra những festival, những sự kiện trình diễn nghệ thuật lớn của Singapore.
Hai vỏ sắt bọc ngoài mặt tiền tòa nhà có khối lượng lên tới hơn 3.000 tấn.
Nhà hát Harpa (Iceland)
Nhà hát Harpa được mở cửa kể từ tháng 5/2011. “Harpa” thường được dùng để đặt tên cho nữ giới ở Iceland, nghĩa là “đàn harp” (đàn hạc).
Nhà hát Mumuth (Áo)
Nhà hát Mumuth có hai lối vào, thể hiện rõ định hướng đem âm nhạc thính phòng đến với giới trẻ Áo. Một lối vào để dành cho công chúng nói chung, một lối khác để dành riêng cho học sinh – sinh viên với mức giá vé ưu đãi hơn.
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia (Trung Quốc)
Công trình này còn được gọi là “quả trứng khổng lồ của Bắc Kinh”. Phòng biểu diễn opera có sức chứa 2.398 người, phòng trình diễn hòa nhạc có sức chứa 2.019 người, hai nhà hát – mỗi nhà có sức chứa 1.035 người.
Nhà hát Sage Gateshead (Anh)
Công trình nhà hát Sage Gateshead được thiết kế với hình dáng uốn lượn, sử dụng chất liệu kính làm chủ đạo trong thiết kế. Bên trong là 3 phòng biểu diễn hòa nhạc với các kích thước khác nhau.
Nhà hát Uppsala (Thụy Điển)
Nhà hát Uppsala có phòng biểu diễn chính với sức chứa 1.140 khách, 3 phòng biểu diễn nhỏ hơn, trong đó một phòng được sử dụng làm nơi tổ chức dạ tiệc, có kèm không gian triển lãm, không gian ẩm thực và trình diễn hòa nhạc. Nhà hát Uppsala được thiết kế với mục đích phục vụ đông đảo công chúng và mang nhiều tính năng sử dụng đa dạng.
Nhà hát Walt Disney (Mỹ)
Công trình này là nơi thường xuyên diễn ra những buổi biểu diễn hòa nhạc đẳng cấp quốc tế. Ban đầu, mặt tiền công trình sử dụng chất liệu kim loại phản sáng nhằm gây ấn tượng thị giác, nhưng về sau, do mức độ phản chiếu quá mạnh nên người ta đã phải xử lý lại để giảm mức độ phản sáng.
Nhà hát Casa (Bồ Đào Nha)
Nhà hát Casa là nơi chuyên tổ chức những sự kiện hòa nhạc đẳng cấp của Bồ Đào Nha.
Thanh Thảo
Theo Báo xây dựng điện tử
26/04/2024
Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024