Menu
Menu
vi / en
Close
vi / en

Sau 38 tháng triển khai, tháng 8 năm 2021, dự án Nhà Quốc hội Lào đã hoàn thành và được bàn giao, đưa vào sử dụng tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX nước CDCND Lào. Đây là một công trình quy mô lớn nhất tại Lào và là món quà ý nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em.

Đặc biệt, dự án Nhà Quốc hội Lào đã được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong đó công nghệ BIM. Đây là lần đầu tiên công nghệ BIM được áp dụng thành công tại Lào mang đến một ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, hiệu quả trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và quản lý, thi công xây dựng tại nước bạn Lào. Thành công này có được bởi sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ Xây dựng và những nỗ lực không nhỏ của các Kiến trúc sư, kỹ sư của Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC).

Với thế mạnh là đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và ứng dụng công nghệ tốt, VNCC đã có nhiều kinh nghiệm triển khai ứng dụng BIM. Do vậy, ngay sau khi nhận được văn bản số 02/BXD-KHTC từ Bộ Xây dựng ngày 11/01/2018 về việc ứng dụng thí điểm BIM trong dự án Nhà Quốc hội Lào, các Kiến trúc sư và Kỹ sư của VNCC đã  phối hợp với các bên tham gia dự án để thiết lập ngay Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án.

Kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu và phạm vi áp dụng BIM bao gồm: Xuất bản hồ sơ (Design Authoring); Kiểm tra phương án thiết kế (Design Review); Phối hợp thiết kế 3D, xử lý xung đột (3D Coordination); Xuất khối lượng (Quantity Take off); Mô phỏng thi công (Construction Simulation); Thông tin thiết bị bàn giao và phục vụ bảo hành công trình (Handover and Building Management) và sẽ được áp dụng trong cả thiết kế và thi công dự án.

 

Trong suốt quá trình triển khai dự án, 13 mô hình BIM của các bộ môn đã được các Kiến trúc sư và Kỹ sư VNCC tạo dựng với độ chi tiết LOD 300-350. Các mô hình BIM này sau đó được phối hợp với nhau trên môi trường Naviswork để xác định và giải quyết các xung đột ngay từ giai đoạn thiết kế. Các cuộc họp BIM giữa các bên được diễn ra hàng tuần để cập nhật tình hình thực hiện, nêu ra và giải quyết các vấn đề vướng mắc ngay trong quá trình thiết kế, không để ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thi công. Môi trường thông tin chung của dự án (CDE) được các bên thống nhất và sử dụng là myCloud. CDE này đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phối hợp, trao đổi do đây là cổng thông tin duy nhất và tổng hợp tất cả các sản phẩm, trao đổi, lịch sử quá trình phối hợp của dự án. Theo đó, tuy các bên có các CDE làm việc riêng cho từng bộ môn, nhưng kết quả sản phẩm sau cùng và phục vụ phối hợp đều được tổng hợp lên CDE chung để các bên cùng nắm thông tin, hạn chế được vấn đề sai lệch phiên bản, lẫn lộn thông tin trong quá trình thực hiện một dự án có độ phức tạp rất lớn như Nhà Quốc hội Lào.

Việc áp dụng BIM sâu rộng trong dự án đã góp phần tạo hiệu quả công việc rõ rệt. Thời gian thiết kế và phối hợp được rút ngắn đáng kể. Chất lượng, độ chính xác của thiết kế được nâng cao. Công tác giám sát tác giả thuận lợi và các vấn đề vướng mắt phát sinh được xử lý nhanh chóng. Công tác kiểm soát khối lượng và thông tin kỹ thuật của vật liệu cũng được cải thiện rõ rệt. Các khối lượng như vật liệu xây dựng, thiết bị MEP được trích xuất trực tiếp từ các mô hình đảm bảo tính chính xác của khối lượng so với thiết kế. Các mô hình được tích hợp các family có các tham số bao quát hết các thông số kỹ thuật của vật liệu, thiết bị, đảm bảo cho công tác nghiệm thu và bảo hành bảo trì trong quá trình sử dụng được diễn ra một cách tự động và thuận tiện nhất.

 

 

Nhằm nâng cao chất lượng công tác thiết kế bản vẽ kỹ thuật, VNCC còn cam kết áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn thiết kế ISO-9001. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO-9001 đảm bảo toàn bộ các khâu, các giai đoạn công việc đều được kiểm soát chặt chẽ thông qua việc thiết lập, theo dõi, kiểm tra hồ sơ chất lượng của từng khâu, từng bộ môn kỹ thuật. Hồ sơ chất lượng được thiết lập tổng thể cho cả công trình và chi tiết cho từng công việc cụ thể.

Do được nhận hồ sơ thiết kế ý tưởng từ phía bạn Lào vì vậy để phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của cả hai nước, VNCC phải xem xét, nghiên cứu phương án triển khai các hồ sơ thiết kế đồng thời 21 lần phát hành văn bản yêu cầu bổ sung làm rõ thông tin tới phía bạn Lào và đã tiến hành điều chỉnh 95 nội dung thay đổi thiết kế theo yêu cầu của phía nước bạn cho phù hợp.

Một trong số những giải pháp ứng dụng công nghệ trong triển khai dự án là thiết lập hệ thông lưu trữ dữ liệu tập trung và phương thức làm việc trực tuyến. Từ giai đoạn bắt đầu, VNCC ứng dụng và lựa chọn giải pháp họp trực tuyến giữa văn phòng công trường và văn phòng trụ sở ban quản lý dự án từ những ngày đầu của dự án. Đặc biệt phát huy tác dụng trong giai đoạn COVID cho toàn bộ các bên tham gia dự án sử dụng hạ tầng dùng chung của đơn vị. Bên cạnh đó, thiết lập ứng dụng lưu trữ dữ liệu tập trung dành riêng cho dự án trong việc trao đổi thông tin dự án, xử lý các hồ sơ dự án trực tuyến đảm bảo không bị gián đoạn và kịp thời có ý kiến, xác nhận và xử lý các công việc đối với các đơn vị tham gia dự án.

Nhờ nhận được sự ủng hộ và tin tưởng từ Bộ Xây dựng – Chủ đầu tư, cơ quan đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyển ngành cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bên cùng tham gia (các Tư vấn thiết kế CDC, Archineer, Nhà thầu Binh Đoàn 11, tư vấn giám sát IBST, OCG, Ban quản lý dự án phía Lào) đã tạo rất nhiều thuận lợi để VNCC thực hiện thành công, trọn vẹn việc áp dụng BIM trong một dự án có độ phức tạp như Nhà Quốc hôi Lào, đáp ứng đúng theo các kế hoạch thực hiện BIM đã đề ra từ khi bắt đầu dự án.

Công trình Nhà quốc hội Lào đã được hoàn thành đạt yêu cầu thiết kế, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và an toàn đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào.

Công trình Nhà Quốc hội Lào cũng là minh chứng hiện hữu, thực tế và sinh động, góp phần tiếp tục xây đắp tình hữu nghị đặc biệt, mối quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc Việt – Lào, xứng đáng là món quà tặng ý nghĩa, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.