Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị (Nghị định 11), tác động như thế nào đến công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị?
Ảnh minh họa
Lập lại trật tự cho quá trình phát triển đô thị
Nghị định 11 quy định cụ thể quy trình thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch đô thị, cũng như việc xác định các khu vực phát triển đô thị để đầu tư đồng bộ theo kế hoạch, tránh việc cho phép các dự án đầu tư tràn lan gây lãng phí tài nguyên đất và các nguồn lực khác của xã hội.
Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, hiện đã có khoảng 20 tỉnh/thành đã phê duyệt hoặc đang lập Chương trình phát triển đô thị để làm cơ sở triển khai lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị để phê duyệt cũng như kế hoạch thực hiện. Khoảng 7 địa phương đang tiến hành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị theo quy định của Nghị định 11. Các địa phương cũng đã triển khai rộng rãi việc xem xét chấp thuận đầu tư các dự án theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ theo các quy định tại Nghị định 11.
Tính đến đầu năm 2015 đã có 21 dự án tại các tỉnh/thành trên cả nước gửi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để UBND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư và 01 dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Có khoảng 140 dự án đã thực hiện việc lấy ý kiến về đề xuất cho thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, qua 2 năm thực hiện, có thể thấy các quy định của Nghị định 11 thực sự đáp ứng yêu cầu về kiểm soát, lập lại trật tự cho quá trình phát triển đô thị, đảm bảo thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan lãng phí trước đây. Các địa phương đã và đang tiến hành xây dựng chương trình phát triển đô thị; hình thành các khu vực phát triển đô thị, thành lập ban quản lý khu vực phát triển đô thị, tiến hành rà soát các dự án phát triển đô thị trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư các dự án đô thị mới…
Phát triển đô thị đồng bộ
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Hà Anh cho biết: Theo quy định của pháp luật, các dự án đầu tư phát triển đô thị được lập và phê duyệt trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Tuy nhiên hiện nay tại nhiều địa phương do dự án được triển khai tại những khu vực chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt nên các giải pháp kết nối hạ tầng của dự án với hạ tầng khu vực không được nghiên cứu và xác định dẫn đến không có cơ sở cho việc kết nối. Việc chấp thuận cho quá nhiều dự án cùng lúc trên địa bàn cũng tạo áp lực cho các địa phương trong việc phải bố trí vốn để đầu tư mạng lưới hạ tầng ngoài tường rào cho các dự án đảm bảo kết nối hạ tầng của dự án với hạ tầng khung của đô thị. Các bất cập này đều dẫn đến tình trạng các khu đô thị được đầu tư xây dựng không đồng bộ, thiếu các công trình hạ tầng kết nối với mạng lưới hạ tầng chung của khu vực khiến cho người dân khi đến ở trong khu vực dự án không được cung cấp các dịch vụ thiết yếu như cấp điện, cấp nước sạch, các dịch vụ đảm bảo vệ sinh môi trường…
Để khắc phục các bất cập nêu trên, Nghị định 11 lần đầu tiên quy định về việc phải xác định khu vực phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và các chương trình phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể và các dự án chỉ được chấp thuận đầu tư nếu phù hợp với khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện đã được phê duyệt.
“Với các quy định chặt chẽ như trên, việc các dự án triển khai tràn lan sẽ được hạn chế tối đa. Các địa phương sẽ buộc phải thực hiện phê duyệt các quy hoạch đảm bảo kết nối cũng như xác định các khu vực phát triển đô thị làm trọng điểm đầu tư cùng kế hoạch thực hiện kèm theo để làm cơ sở chấp thuận dự án” – bà Hà Anh cho biết.
Với các quy định chặt chẽ như trên, việc phát triển thiếu đồng bộ tại các khu đô thị sẽ được ngăn chặn và giảm thiểu tối đa, quyền lợi của người dân đến sống tại các khu đô thị mới được đảm bảo, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương.
Bên cạnh những bước thay đổi khả quan nói trên thì công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy định tại Nghị định 11 có những nơi còn thiếu quyết liệt. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số dự án khu đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.
Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2015, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị định số 11, trong đó vấn đề cốt lõi là kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị; phê duyệt các khu vực phát triển đô thị; thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; thực hiện các chương trình, dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch.
Quý Anh
Theo baoxaydung.com.vn
26/04/2024
Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024