Menu
Menu
vi / en
Close
vi / en

Theo đánh giá đô thị hóa ở Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua là một quá trình chuyển đổi vừa phức tạp vừa tế nhị, đang tiếp tục diễn ra với nhiều cách tiếp cận khác nhau của các đô thị đối với các chủ đề môi trường, tốc độ phát triển và kết nối toàn cầu. Hiển nhiên những gì diễn ra trong đô thị đều tác động tới phát triển kinh tế và tình trạng môi trường của quốc gia.

Đô thị đặt ra nhiều vấn đề về môi trường và xã hội, và cũng đưa ra giải pháp cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao nhiều mặt chất lượng cuộc sống… Có thể khảo sát đô thị hóa Trung Quốc qua nhiều lối tiếp cận khác nhau. Bài viết này đưa ra tổng quan về đô thị hóa Trung Quốc từ góc nhìn phát triển bền vững, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích cho việc xây dựng chính sách đô thị hóa bền vững của Việt Nam.

Không gian đô thị cao tầng hiện đại TP Thượng Hải, Trung Quốc 

Hiện trạng đô thị Trung Quốc và các thách thức
Đô thị hóa của Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu phi thường, góp phần đưa kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh làm cả thế giới kinh ngạc. Thế nhưng quá trình đó cũng đặt ra nhiều vấn đề về suy thoái môi trường, giảm đất canh tác, tạo áp lực lớn đối với tài nguyên thiên nhiên (năng lượng, nước, đất), thiếu nhà ở thích hợp, thay đổi phương thức tiêu dùng (chẳng hạn từ ăn nhiều ngũ cốc sang ăn nhiều thịt, tiêu thụ nhiều năng lượng). Sự lan tỏa đô thị tự phát và tình trạng “xa lạ xã hội” (social alienation) khiến Trung Quốc phải đối diện với nhiều thách thức to lớn, không chỉ làm Trung Quốc mà cả thế giới cũng phải lo lắng. Nhìn chung các thách thức đối với đô thị hóa Trung Quốc có thể quy về 3 chủ đề lớn là đất đai, con người và môi trường. Ngoài ra, năng lực quản lý đô thị cũng là thách thức quan trọng.
Về đất đai: Trong thập kỷ đầu của Thế kỷ 21, đất xây dựng trong đô thị tăng 78,5% trong khi dân số đô thị chỉ tăng 46%. Theo Niên giám thống kê năm 2000 mật độ bình quân dân số đô thị là 20.458 người/km2 , đến năm 2008 tụt xuống còn 16.715 người/km2. Bình quân đất đô thị trên đầu người vượt quá 120m2 trong khi của các nước khác chỉ trong khoảng 82 – 84 m2. Tình trạng mất cân đối giữa “đô thị hóa đất đai” và “đô thị hóa dân số” đã tạo ra hiện tượng đô thị hóa “giả tạo”. Đây là biểu hiện của đô thị hóa ồ ạt theo chiều rộng (extensive urbanization) thiếu bền vững, sử dụng đất đai kém hiệu quả, là kết quả của “quá trình đô thị hóa tại chỗ”, chuyển “hương” thành “trấn”, chuyển “huyện” thành “thị” và của phong trào mở rộng địa giới đô thị ra vùng nông nghiệp chung quanh bằng quyết định hành chính trong thập kỷ 90, dẫn đến tỷ lệ dân số phi nông nghiệp trong đô thị không cao. Nguyên nhân là nguồn thu của đô thị phụ thuộc quá nhiều vào tiền cho thuê đất, có khi chiếm tới 70% thu ngân sách. Trong khoảng 2005 – 2011, nguồn thu từ đất đã tăng gấp 6 lần! Đây là tình trạng ngân sách đô thị không lành mạnh thúc đẩy việc mở rộng đô thị để có nguồn thu.
Đô thị hóa theo chiều rộng khiến tỷ suất vốn đầu tư tính cho 1000 m2 đất xây dựng của Trung Quốc năm 2010 chỉ bằng 1/2 của Hoa Kỳ, 1/6 của Đức và 1/10 của Anh và Nhật, như vậy hiện nay sử dụng còn lãng phí, đạt hiệu quả kém.
Về con người: Đô thị hóa về dân số được hình thành từ hai nguồn: từ số dân nhập cư và từ việc chuyển đổi nông dân ngoại thành thông qua mở rộng địa giới đô thị.
Vấn đề nông dân di cư vào đô thị đặt ra một loạt vấn đề. Tổng số lao động nhập cư hiện thời là 262,6 triệu người (2012), do nhiều rào cản nên rất khó trở thành thị dân, dẫn đến nhiều hệ lụy như chênh lệch thu nhập, thiếu nhà ở, con cái không được đi học, tỷ lệ phạm tội cao. Tình trạng “đô thị hóa (với lao động) giá rẻ” và không bình đẳng này là mầm mống cho các bất ổn xã hội đáng lo ngại. Giao thông tại nhiều đô thị lớn ngày càng thêm tắc nghẽn.
Việc mở rộng đô thị theo dạng “ly tâm” khiến nhiều nông dân bị thu hồi đất ở nhưng không được bồi thường thỏa đáng, bị bắt buộc chuyển vào ở trong các căn hộ chung cư cao tầng nên phải thay đổi lối sống và cách kiếm sống truyền thống, nhưng lại khó tìm được việc làm vì không qua đào tạo. Tình trạng “đô thị hóa bắt buộc” này ở nhiều nơi đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nông dân.
Tóm lại, đô thị hóa dân số đã không thật sự bền vững, gây tổn hại cho văn hóa nông thôn truyền thống, còn trong đô thị lại không tạo được cảm nhận quy thuộc, cảm nhận cộng đồng cho đông đảo người nhập cư, khiến xã hội đô thị trở nên xa cách, thiếu gắn bó, chứa đựng mầm mống bất ổn.
Về môi trường: Đô thị hóa đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Khoảng 2/3 đô thị thiếu nước do tình trạng ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Ô nhiễm không khí cả nội và ngoại thành đã làm tăng tỷ lệ bệnh nhân đường hô hấp và bệnh nhân ung thư. Thành phố Bắc Kinh năm 2013 có số ngày mù khói bụi nhiều nhất từ trước đến nay là 46 ngày trong số 100 ngày đầu năm. Việc xả trộm nước thải công nghiệp có chứa kim loại nặng và các chất độc hại khác đã tạo ra hơn 400 “làng ung thư” có tỷ lệ người mắc bệnh và chết do ung thư cao hơn mức bình quân cả nước đến 20~30%.
Sự phát triển đô thị vốn tập trung tại duyên hải và miền Nam rồi sau đó được chuyển vào nội địa và miền Tây. Chiến lược này giúp giảm bớt sự cách biệt kinh tế giữa các vùng, nhưng đồng thời cũng đem các công nghiệp ô nhiễm đến những khu vực có môi trường nhạy cảm tác động đến cả nước, như vùng thượng lưu các con sông Hoàng Hà, Trường Giang và Lan Thương (Hồng Hà). Các chiến lược quản lý môi trường đều bị bó hẹp trong địa giới đô thị nên kém hiệu quả, chẳng hạn không ứng phó được vấn đề bụi mù cả vùng hay ô nhiễm lưu vực sông.
Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất và ô nhiễm âm thanh đã là những thách thức rất lớn cho đô thị hóa.
Về quản lý: Phương thức quản lý theo cấp bậc hành chính khiến các đô thị càng lớn thì càng được ưu đãi, đã khiến cho chủ trương đưa công nghiệp về các đô thị vừa và nhỏ gặp trở ngại. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các siêu đô thị và vùng đô thị cực lớn nhằm phát huy tối đa tác động của các hiệu ứng “tiết kiệm nhờ tụ tập” và “tiết kiệm nhờ quy mô”, một mặt nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu nhưng mặt khác cũng đặt ra các vấn đề về thể chế quản lý và năng lực quản lý hành chính. Sự can thiệp trực tiếp vào thị trường, tư duy “chính tích” và tình trạng tham nhũng đã đưa đô thị hóa đất đai vượt xa đô thị hóa dân số, khiến đất đô thị bị sử dụng lãng phí, làm suy giảm nhanh đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Mặt khác để có thêm nguồn đất đô thị rẻ tiền, nhiều diện tích mặt nước đã bị san lấp, chẳng hạn thành phố Vũ Hán vốn nổi tiếng là nhiều hồ thì 70% trong số đó đã bị san lấp trong 20 năm qua, gây tình trạng ngập lụt khi mưa lớn. Tình trạng chính quyền một mặt can thiệp quá sâu vào thị trường nhưng mặt khác lại buông lỏng quản lý thị trường, chẳng hạn thị trường bất động sản, đã tạo ra những “thành phố ma” và những khoản nợ xấu vượt ngưỡng an toàn.
Tình trạng lạm quyền của các đội “thành quản” giữ trật tự đô thị khiến người dân bất mãn và chống đối đã gây tiếng xấu ra quốc tế.

Các bài học kinh nghiệm về đô thị hóa bền vững cho Việt Nam
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng rất khác nhau về mặt địa lý nhưng lại tương đối gần gũi về thể chế chính trị. Trung Quốc quá độ sang kinh tế thị trường cũng chỉ trước Việt Nam không lâu, vì vậy thực tiễn đô thị hóa Trung Quốc để lại cho nước ta rất nhiều bài học quý giá, có thể giúp nước ta tránh được những khúc đường quanh co, những vết xe đổ trong quá trình đô thị hóa. Riêng về phát triển bền vững, nước ta có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm “đắt giá” của họ trên các mặt sau đây:
Bền vững kinh tế: Thành tựu đô thị hóa đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới, thế nhưng đồng thời cũng đưa ra những cái giá phải trả khá cao cho khai thác sử dụng tài nguyên.
Đô thị hóa Trung Quốc đã khai thác kém hiệu quả tài nguyên đất đai, mà quyền sở hữu thuộc về Nhà nước nếu là đất đô thị, và thuộc sở hữu tập thể Hợp tác xã nếu là đất nông nghiệp. Hiện tượng đô thị hóa đất đai đi trước đô thị hóa dân số dẫn đến diện tích đất phi nông nghiệp bình quân đầu người cả nước từ 152 m2//ng năm 2000 tăng lên đến 175 m2/ng năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu một mặt là do quy hoạch không gian yếu kém, mặt khác là do chuyển đổi hương thành trấn, huyện lên thành phố và mở rộng địa giới thành phố ra vùng nông thôn xung quanh, trong khi đất chưa xây dựng trong nội thành vẫn còn nhiều nhưng đã được cấp hết cho các dự án. Việc cấp đất tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách đô thị, vì vậy đô thị luôn khát đất, mà để có thêm đất thì phải mở rộng địa giới đô thị!
Tình trạng tương tự cũng bắt đầu diễn ra ở nước ta, như huyện Chí Linh chuyển đổi thành thị xã Chí Linh (năm 2010: tỷ lệ đô thị hóa 58,7%, mật độ 548 ng/km2) hay địa giới Hà Nội được mở ra quá rộng (năm 2014: tỷ lệ đô thị hóa 41,9%, mật độ 2087 ng/km2). Năm 2008 diện tích đất phi nông nghiệp bình quân đầu người cả nước là 392,8 m2 /ng thì năm 2014 tăng lên đến 418,6 m2/ng.
Tình trạng khan hiếm tàì nguyên nước đã hạn chế đô thị phát triển. Năm 2012 cả nước có hơn 400 thành phố thiếu nước, trong đó có 114 thành phố thiếu nước nghiêm trọng, nhất là ở miền Bắc. Tài nguyên khoáng sản cạn kiệt cũng khiến cho hơn 40 thành phố mỏ rơi vào suy thoái.
Một số đô thị Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn trong cấp nước do nguồn nước ngầm suy giảm, nguồn nước ngầm và nước mặt cho các đô thị ven biển bị nhiễm mặn.
Công nghiệp hóa hiển nhiên cần đến nhiều năng lượng, nhưng phát triển mù quáng các ngành công nghiệp tốn năng lượng như gang thép và xi măng để phục vụ xây dựng đã tạo ra sản xuất dư thừa và gây căng thẳng cho việc cung ứng năng lượng. Năm 2011 toàn Ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng và vận hành công trình hạ tầng đã tiêu hao 27% nhu cầu năng lượng cả nước.
Ỏ Việt Nam, tình trạng dư thừa công suất của các nhà máy gang thép và xi măng cũng đang diễn ra, trong khi sắt thép giá rẻ của Trung Quốc đang tràn vào.
Tình trạng duy ý chí, đầu tư mù quáng trên thị trường bất động sản đã tạo ra nhiều lãng phí (như các thành phố ma), nhiều nợ xấu không chỉ cho các nhà đầu tư mà cả cho ngân sách đô thị, có thể dẫn đến căng thẳng tài chính quốc gia như nhiều chuyên gia tài chính quốc tế đã cảnh báo.
Tình trạng bong bóng bất động sản cũng đã diễn ra ở Việt nam dăm năm nay và đến 2015 mới bắt đầu hồi phục, là một bài học đắt giá cho cả giới kinh doanh và chính quyền các thành phố lớn nước ta .
Bền vững xã hội: Đô thị hóa dân số chủ yếu vẫn là dựa vào số nông dân nhập cư vào mưu sinh trong đô thị hoặc là nông dân ngoại thành trở thành dân đô thị thông qua “đô thị hóa tại chỗ”. Thế nhưng chính sách hộ khẩu lại kỳ thị nông dân nhập cư, không xem họ là người dân đô thị thực sự, khiến họ phải chịu nhiều bất bình đẳng xã hội, từ thu nhập đến nhà ở, dịch vụ y tế và cả đến việc học tập của con cái. Hậu quả là hiện tượng “xa cách xã hội” ngày càng nặng nề.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại nước ta, tuy rằng trong chiến tranh, nông dân miền Bắc đã mở rộng vòng tay đón dân đô thị sơ tán.Tình trạng thiếu chăm lo chỗ ở và ổn định đời sống lao động nhập cư đã khiến nguồn cung lao động không bền vững, chẳng hạn sau Tết nhiều lao động nhập cư từ miền Trung đã không trở lại nơi làm ở Đông Nam Bộ vì kiếm được việc làm tại các khu công nghiệp mới mở tại quê hương.
Vì mải mê đuổi theo lợi ích kinh tế mà nhiều chính quyền địa phương hy sinh tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Nhiều lãnh đạo chính quyền chỉ coi trọng giá trị kinh tế của các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa mà xem nhẹ giá trị quý báu của chúng về các mặt lịch sử, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, nên đã để xảy ra các hiện tượng phá hoại di sản, “thương mại hóa, nhân công hóa, đô thị hóa” các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khai thác các nơi này với cường độ quá sức chịu tải của môi trường sinh thái.
Qua chiến tranh, di sản văn hóa lịch sử trong đô thị Việt Nam không còn nhiều nhưng vẫn không được coi trọng và bảo tồn đúng mức, chẳng hạn các biệt thự để lại từ thời thuộc Pháp. Nhiều đô thị nghỉ mát chưa được khôi phục hoặc được khôi phục nhưng mất bản sắc. Nhiều đền chùa bị lấn chiếm.
Quan điểm thẩm mỹ của xã hội trở nên méo mó, xem công trình cao tầng và siêu cao tầng là tiêu chí của hiện đại hóa, muốn trong thời hạn ngắn ngủi dùng loại hình kiến trúc “mới, lạ, kỳ quái” để thay đổi hình ảnh đô thị, khiến bộ mặt đô thị cả nước trở nên đồng dạng, kém bản sắc và cứng nhắc. Việt Nam rất nên dè chừng khuynh hướng xấu này.
Đô thị lan tỏa vô tổ chức về nông thôn đã làm mất đi nhiều di sản văn hóa bản địa. Nhiều vùng nông thôn cũng mải mê học theo đô thị để xây dựng nông thôn mới, du nhập các yếu tố và phong cách thành phố vào nông thôn khiến kiến trúc truyền thống, phong cảnh đồng quê bị mai một. Quá trình “phá hoại mang tính xây dựng” này đã gây tổn thất lớn tới bản sắc nông thôn Trung Quốc.
Kiến trúc nhà ở nông thôn nước ta cũng đang bị lai tạp, đánh mất bản sắc. Lũy tre không còn và nhiều loại chim chóc cũng bị mất nơi cư ngụ. Hàng rào cây được thay thế bằng những bức tường kín mít.
Về môi trường: Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và môi trường đất đô thị và vùng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người dân.
Hiện tượng mù trời khói bụi xẩy ra nhiều lần và đạt mức độ nghiêm trọng nhất trong lịch sử, từ phạm vi cục bộ đã trải rộng ra cả một vùng, nồng độ hạt bụi mịn vượt quá giới hạn quy định mới nhất của Hoa Kỳ (nồng độ bình quân trong năm 15mg/m3) từ 2 đến 8 lần, số ngày có mù khói bụi ở các vùng đô thị lớn như Kinh-Tân-Ký, Tam giác châu Trường Giang, Tam giác châu sông Chu v.v. đã vượt quá 100 ngày mỗi năm, có năm vượt quá 200 ngày. Đặc biệt hai ngày 29-30/1/2013 mù khói bụi tại miền Đông đã lan tỏa ra cả một vùng rộng đến 130 vạn km2 (hơn 1/3 diện tích Việt Nam) chứa đựng hàng mấy chục thành phố lớn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước đô thị cũng rất gay gắt, đe dọa sự an toàn cấp nước đô thị và sức khỏe nhân dân. Phân hóa học, thuốc trừ sâu và nước bẩn đã làm môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân đô thị.
Tình trạng chất thải rắn bao vây thành phố đã trở nên nguy hiểm, tốn nhiều đất chôn lấp, là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ phản đối tập thể gay gắt của người dân đô thị.
Tình trạng đảo lộn bố cục vốn có của thiên nhiên như bẻ cong hay nắn thẳng dòng sông, san lấp ao hồ và vùng đất ngập nước, xây công trình cản trở dòng chảy tự nhiên v.v.. khiến môi trường sinh thái đô thị và vùng đô thị bị tổn hại nặng nề.
Đô thị hóa nhanh khiến hệ thống hạ tầng không phát triển kịp đã tạo ra áp lực kép lên môi trường sinh thái đô thị: một là giao thông tại các đô thị lớn bị tắc nghẽn đến mức“ tắc nghẽn toàn diện”, “tắc nghẽn khắp nơi”, “tắc nghẽn mọi lúc”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của đô thi; hai là các ẩn hoạn như ngập lụt, lở đất, cháy nhà, sự cố công nghệ (như vụ nổ tại Thiên Tân tháng 9/2015 mới đây) diễn ra thường xuyên, uy hiếp tính mạng và tài sản của dân và an toàn công cộng.
Không khí khói bụi, giao thông tắc nghẽn, ngập lụt tràn lan, công viên cây xanh quá ít, kênh mương ô nhiễm v.v…cũng đang đe dọa môi trường sinh thái các đô thị lớn nước ta.
Về chính trị: Đô thị hóa và công nghiệp hóa với tốc độ cao đặt ra nhiều thách thức về chính trị, trong khi thể chế quản lý hành chính không kịp đổi mới, và năng lực bộ máy hành chính tỏ ra yếu kém.
Một số nơi quá chăm lo lợi ích của doanh nghiệp và phát triển bất động sản mà ít chăm lo lợi ích của người dân, chạy theo lợi ích kinh tế mà coi nhẹ chức năng văn minh tinh thần của đô thị, quá coi trọng vẻ ngoài của đô thị mà xem nhẹ phát triển hạ tầng, quá coi trọng tiến độ và số lượng mà xem nhẹ chất lượng và hiệu quả.
Trình độ quản lý đô thị yếu kém, trình độ số hóa, tinh vi hóa và thông minh hóa không cao, quá chú trọng phát triển phần cứng nhìn thấy được mà coi nhẹ xây dựng đồng bộ phần mềm phục vụ.
Quản lý thiếu minh bạch, thiếu dân chủ và thiếu các quyết sách khoa học, thiếu cơ chế ứng phó, đề phòng và xử lý các sự kiện đột phát của quần chúng đã gây ra nhiều sự kiện rối loạn trật tự xã hội, như vụ biểu tình lớn tại thành phố Ninh Ba tháng 10/2012 phản đối mở rộng nhà máy lọc hóa dầu sản xuất chất paraxylene có thể gây nổ (do đó có tên là vụ PX) sau khi đã có vụ tương tự xẩy ra ở Hạ Môn năm 2007. Cung cách quản lý quan liêu, duy ý chí, kể cả ép buộc lấy đất nông nghiệp, thái độ hống hách của các đội “thành quản” v.v… đã tạo ra bất ổn xã hội đáng lo ngại.
Nhiều nơi chính quyền chạy theo tốc độ đô thị hóa, thậm chí đưa tỷ lệ đô thị hóa quá cao thành mục tiêu phấn đấu, xem tỷ lệ đô thị hóa là “chính tích”. Do đó đã đưa ra những quyết định duy ý chí, xa rời thực tế. Chẳng hạn Thiểm Tây, Vân Nam, Quảng Tây đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đô thị hóa tăng thêm 2% mỗi năm. Thậm chí niên độ 2010~2011 thành phố Trùng Khánh thông qua điều chỉnh chính sách chuyển đổi trên quy mô lớn hộ tịch nông dân thành hộ tịch thị dân mà đã nâng tỷ lệ đô thị hóa tăng thêm 8,5% chỉ trong một năm! Vì vậy có học giả Trung Quốc đánh giá dân số đô thị theo thống kê lớn hơn 16% so với dân số đô thị đúng nghĩa (nhưng họ cũng cho rằng tình trạng tương tự có ở nhiều nước khác chứ không riêng gì Trung Quốc).
Để tạo động lực tăng trưởng đô thị, chính quyền quá coi trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo theo định hướng xuất khẩu mà bỏ qua sức mạnh của thị trường tiêu dùng nội địa, mải miết theo đuổi xây dựng các “đại đô thị quốc tế hóa”, các khu trung tâm thương mại CBD và đủ loại “khu vực phát triển” mà không xem xét sức chịu tải của đô thị về các mặt cấp thoát nước, đất đai, năng lượng, môi trường sinh thái, dễ dàng chấp nhận các dự án tiêu thụ nhiều nước, nhiều năng lượng, xa rời các quy luật kinh tế và điều kiện thực tế của địa phương, khiến nợ công tăng lên còn nhân dân thì hao sức tốn của, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đô thị.
Trung Quốc và Việt Nam tương đối gần gũi về thể chế chính trị. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy thể chế quản lý lạc hậu, năng lực quản lý yếu kém của chính quyền đô thị chính là nhân tố quyết định sự thành bại của chính sách phát triển đô thị bền vững. Nước ta cần đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm này. Mặt khác, nước ta cũng nên tham khảo thể chế thành phố cấp phó tỉnh, thị xã cấp phó huyện để xử lý trường hợp khi đô thị lớn mạnh lên và chuyển sang cấp bậc cao hơn thì cũng không cần phải di chuyển tỉnh lỵ, huyện lỵ đi nơi khác rất phiền phức, tốn kém.
Kết luận
Thành tựu to lớn cũng như các tồn tại trong thực tiễn đô thị hóa Trung Quốc sau cải cách mở cửa có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý về nhiều mặt, bao gồm cả về phát triển bền vững, mà với khuôn khổ có hạn bài viết này chỉ có thể đề cập một cách hết sức tóm lược.
Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới vừa được Trung Quốc ban hành năm 2014, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị hóa, lấy người làm gốc để phát triển đô thị bền vững, bao gồm bền vững về kinh tế, bền vững về văn hóa xã hội, bền vững về môi trường và bền vững về chính trị như vừa trình bầy ở trên. Do đó rất có giá trị tham khảo cho các nhà làm chính sách đô thị Việt Nam khi cần nghiên cứu giải quyết các vấn đề nổi bật trong quá trình đô thị hóa của nước mình./.

TS. Phạm Sỹ Liêm
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam