Trong không khí giao mùa với tiết trời ấm áp, sáng nay ngày 25 tháng 11 năm 2020, Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập. Tới dự buổi lễ có Ông Lê Quang Hùng – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Võ Thành Thống - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Bùi Thế Duy - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Chí Thành – Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng Công ty SCIC cùng đại diện các Hiệp hội, đại diện các cơ quan cục, vụ, viện, tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng; các đối tác trong và ngoài nước; Ban lãnh đạo Tổng Công ty, các Công ty thành viên, Công ty liên kết và các cán bộ lãnh đạo Tổng Công ty qua các thời kỳ…cùng đại diện các phòng ban đơn vị trực thuộc Tổng Công ty.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay VNCC đã trở thành nhà tư vấn xây dựng dẫn đầu của Việt Nam với đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, tham gia tư vấn, thiết kế, giám sát nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại và đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chính trị, góp phần làm thay đổi diện mạo của Kiến trúc Việt Nam trong thời kì đổi mới. Các thành tựu đáng tự hào của VNCC có được ngày nay là kết quả từ sự nỗ lực vươn lên của tập thể các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng Công ty trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống 65 năm phát triển liên tục trên một nền móng và hành trình vững chắc tự hào.
Hành trình 65 năm – một chặng đường
Ngày 06/4/1955, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Quyết định số 506/TTg, thành lập Nha Kiến trúc, là tiền thân của TCty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) ngày nay. Đây cũng là cơ quan Thiết kế Kiến trúc đầu tiên của Nhà nước và là tiền thân của lĩnh vực thiết kế kiến trúc xây dựng Việt Nam.
Ngay những ngày đầu thành lập, “Thế hệ thứ nhất” của VNCC đã bắt tay thiết kế các công trình đặc biệt của Đảng và Chính phủ như: Lễ đài Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ để đón Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô. Tiếp theo là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Nhà sàn Bác Hồ, Trụ sở Ủy ban Khoa học Xã hội, Bộ Lâm nghiệp, Ban trị thủy Sông Hồng và Khu nhà ở của cán bộ công nhân viên chức 2 tầng kết tại Hàm Tử Quan cùng một số công trình quốc kế dân sinh đáp ứng nhu cầu làm việc của các bộ, ngành và chữa bệnh cho nhân dân.
Năm 1958, Nha Kiến trúc được sát nhập và đổi tên thành Cục Thiết kế Dân dụng. Lực lượng của Cục còn mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, tập thể cán bộ công nhân viên của Cục đã vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó. Hàng loạt các công trình trường học, bệnh viện tuyến tỉnh – huyện được các cán bộ của Cục thiết kế phục vụ cho việc học hành và khám chữa bệnh của nhân dân. Những công trình tiêu biểu mà Cục thiết kế trong giai đoạn này có thể nói đến Tổng Cục Thống kê (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), Khu nhà ở Kim Liên, Đại học Thủy lợi, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Phụ vận Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương… Bằng trí tuệ và công sức của mình, các kiến trúc sư, kỹ sư và cán bộ của Cục vừa lao động, vừa sáng tạo để thiết kế lên những công trình, góp phần quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, văn hóa chủ nghĩa xã hội của đất nước…
Thời kỳ những năm 1961 -1969, Cục Thiết kế Dân dụng đổi tên thành Viện Thiết kế Kiến trúc. Trong giai đoạn này, ở các tỉnh chưa có tổ chức thiết kế, Viện Thiết kế Kiến trúc đã đảm nhiệm thiết kế hầu hết các công trình công cộng lớn như: Trụ sở các cơ quan, các trường học, bệnh viện, cửa hàng, khu nhà ở thuộc cấp tỉnh tại các địa phương trên miền Bắc. Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân phá hoại miền Bắc, Viện phải thực hiện hai nhiệm vụ: Vừa thiết kế các công trình xây dựng phục vụ sản xuất và chiến đấu, vừa triển khai nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho ngày thắng lợi và xây dựng cho tương lai. Được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ, Viện bí mật thiết kế các mẫu hầm trú ẩn, thiết kế các công trình phòng không, tường che chắn, bảo vệ các công trình trọng yếu để bảo đảm an toàn tính mạng của quân, dân và an toàn cho các công trình. Viện cũng đã thiết kế nhiều công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử đặc biệt đó là công trình cột cờ Hiền Lương giữa hai bờ chiến tuyến, Hội trường Ba Đình và nhiều công trình trụ sở cơ quan và trường học như: Tổng cục Lâm nghiệp, trụ sở UBND tỉnh Nghĩa Lộ, Viện Nghiên cứu Đông Y, Đại học Nông nghiệp…
Thời kỳ 1969 – 1975, Viện Thiết kế Kiến trúc đổi tên là Viện Thiết kế Dân dụng. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện chuyển đại bộ phận cán bộ đi sơ tán về các vùng quê làm công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới và bảo vệ lực lượng. Một số cán bộ thiết kế được điều động, biệt phái tăng cường cho các tỉnh miền Bắc, hình thành các tổ chức thiết kế làm nòng cốt giúp các tỉnh về nghiệp vụ và thiết kế xây dựng công trình tại địa phương. Mặt khác, một bộ phận cán bộ ưu tú, trung kiên được giao thực hiện nhiệm vụ chính trị chuẩn bị cho cách mạng giải phóng miền Nam. Bộ Xây dựng cử đoàn cán bộ trong đó có nhiều cán bộ ưu tú của Viện tham gia thiết kế một số công trình ở tuyến trong vùng giải phóng và khu làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1970 – 1973, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao phó, Viện đã phối hợp cùng với các chuyên gia Liên Xô chủ trì công tác thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời kỳ 1975 – 1978, Bộ Xây dựng chủ trương sáp nhập ba viện thiết kế: Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn, Viện Thiết kế Công trình Kỹ thuật Đô thị và Viện Thiết kế Dân dụng thành Viện Xây dựng Đô thị – Nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu tiếp quản ngành Xây dựng ở miền Nam, Viện đã tăng cường cho miền Nam một đội ngũ gồm 147 cán bộ quản lý và chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm.
Hầu hết cán bộ của Viện vào trong Nam đều gánh vác trọng trách như Giám đốc, Phó giám đốc các Sở Xây dựng, Viện trưởng, Viện phó các Viện thiết kế, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường đại học, trung học Xây dựng. Số còn lại đều là nòng cốt của lực lượng thiết kế ở các tỉnh phía Nam. Số cán bộ còn lại trên miền Bắc của Viện được bổ sung thêm các lớp kiến trúc sư, kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và nước ngoài những năm tiếp theo. Ngoài ra, các cán bộ được đào tạo sau đại học ở nước ngoài cũng tề tựu trở về khá nhiều, cùng với số anh chị em được rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn trong nước. Thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư thứ hai đã trở thành những cán bộ chủ chốt gánh vác vai trò cán bộ đầu đàn của Viện đầu ngành trong cả nước. Giai đoạn này, Viện được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1975).
Thời kỳ 1978 – 1993, Viện Xây dựng Đô thị và Nông thôn lại được tách ra và lúc này Viện đổi tên thành Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng. Mười năm Viện mang tên Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng, cũng là thời gian Viện đã đóng góp rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và góp phần biên soạn, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quy phạm của ngành. Đó là những năm tháng các cán bộ của Viện miệt mài nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, tìm tòi sáng tạo những mẫu thiết kế áp dụng cho thực tiễn. Các mẫu nhà ở của Viện đã được triển khai thiết kế thi công và áp dụng xây dựng tại nhiều địa phương trong cả nước, đáp ứng nhu cầu ở của cán bộ nhân dân. Công trình tiêu biểu giai đoạn này gồm Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu nhà ở Ngoại giao đoàn Vạn Phúc Hà Nội, các khu nhà ở cho chuyên gia nước ngoài trên công trình thuỷ điện sông Đà, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Uông Bí, Phả Lại. Xây dựng mới Bưu điện Bờ Hồ, công trình Phương Đông 2, Đài vệ tinh Hoa Sen, Đài truyền hình Giảng Võ, các tháp truyền hình Tam Đảo, các khách sạn ở bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn và hàng loạt công trình bệnh viện cho các tỉnh. Những đóng góp của Viện được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (1980), Huân chương Lao động hạng Nhất lần 1 (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2 (1990).
Thời kỳ 1993 – 2006, Viện đổi tên thành Cty Tư vấn Xây dựng Dân dụng Việt Nam (VNCC) và từ đó tên gọi VNCC đã quen thuộc trong ngành Xây dựng và trên thị trường. Không chỉ là sự chuyển đổi tên gọi mà đây còn là sự chuyển đổi về mô hình tổ chức, phương thức quản lý để thích ứng với thị trường.
VNCC đã triển khai dự án ODA “Tăng cường tổ chức và phát triển nhân lực cho VNCC” do Vương quốc Anh tài trợ, thực hiện dự án đầu tư chiều sâu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO)… nhằm chuyển biến phương thức hoạt động theo xu thế quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng của thế kỷ XXI.
Với sự đầu tư bài bản, năng lực thiết kế được nâng cao, giai đoạn này Cty thực hiện nhiều công trình của Đảng, Nhà nước như Nhà A1, A2 trụ sở ban Đảng, Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Hội nghị quốc tế phục vụ Hội nghị AEMS – 5, Nhà ga Hành khách Quốc tế T1 – Sân bay Nội Bài; các công trình văn hóa – giáo dục như Bảo tàng Dân tộc học, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên quận Hai Bà Trưng, Đại học Quốc gia Hà Nội; các Trụ sở Ngân hàng Công thương, Trụ sở Bộ Kế hoạch đầu tư, Trụ sở TCty Cơ khí Xây dựng, TCty Vận tải Hà Nội; Trung tâm thương mại Vincom, Bà Triệu, Hà Nội; các Bệnh viện Quốc tế, Bệnh viện 19-8. Cty hợp tác với Heerim, Hà Quốc thiết kế Trụ sở TCty Điện lực EVN…
Năm 2016 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam: VNCC chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty cổ phần. Đây có thể được coi là một mốc thời gian quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của VNCC trên chặng đường lịch sử, hình thành và phát triển của mình.
Ngày 14/6/2016, tại sản giao dịch HNX – Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty mẹ – Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam đã tổ chức thành công phiên bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài.
Ngày 07/10/2016, Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP đã được tổ chức thành công, Tổng Công ty VNCC chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty cổ phần. Đội ngũ Ban lãnh đạo mới được bầu tại Đại hội nhận thức rõ được sứ mệnh và trách nhiệm của mình và cam kết sẽ kế thừa truyền thống, phát huy sức mạnh tri thức để xây dựng và phát triển Tổng Công ty trong giai đoạn mới. Đồng thời luôn luôn quan tâm đến lợi ích người lao động và phấn đấu giữ vững thương hiệu VNCC trên thị trường Tư vấn xây dựng.
Nhiều dịch vụ về Tư vấn Xây dựng đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xã hội; Vị thế của một Tổng Công ty đầu ngành vẫn giữ vững; Nhiều chủ đầu tư mới tìm đến qua thương hiệu VNCC như một đảm bảo cho chất lượng nhà cung cấp Dịch vụ Tư vấn tốt nhất. Đội ngũ cán bộ trẻ đã tự khẳng định được mình, được tập thể đơn vị tin cậy và được Tổng Công ty giao phó những trọng trách xứng đáng. Mô hình chuyên môn hoá ngày một phát huy hiệu quả và là hướng đi đúng đắn trong quá trình hội nhập của đất nước.
Ngày 31 tháng 8 năm 2020, thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/06/2020, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP từ Bộ Xây dựng sang Tổng Công ty SCIC.
Sau khi chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước sang SCIC, Tổng Công ty tiếp tục các hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh theo mô hình công ty cổ phần và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống, tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế, giữ vững vị thế thương hiệu hàng đầu trên thị trường tư vấn xây dựng trong nước và vươn tầm khu vực.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Quang Hùng – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã ghi nhận những đóng góp của VNCC đối với ngành Xây dựng trong suốt 65 năm và tin tưởng, trong giai đoạn mới, VNCC sẽ phát huy truyền thống, thích ứng hội nhập để tiếp tục là đơn vị tư vấn đầu ngành đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Màn trao đuốc truyền thống dẫu là tượng trưng nhưng mang một thông điệp đầy ý nghĩa: ngọn đuốc ấy chính là ngọn lửa của niềm đam mê sáng tạo, yêu nghề, mang tinh thần nhiệt huyết đã được thắp sáng từ những năm đầu thành lập, được hun đúc và giữ lửa trải qua bao thế hệ… Ngọn đuốc truyền đi mang thông điệp dẫn đường cho thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống và ý thức rằng, tiếp nhận ngọn đuốc là tiếp nhận sứ mệnh tiếp tục đưa VNCC phát triển trong tương lai.
Xem những thước phim tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển của VNCC tại buổi lễ, các thế hệ cán bộ nhân viên VNCC luôn tự hào: dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào, với bất kỳ tên gọi nào, thì VNCC vẫn để lại những mốc son lịch sử trên bản đồ kiến trúc xây dựng Việt Nam và những dấu ấn sâu đậm trong trái tim mỗi chúng ta…