Về bố cục tổng mặt bằng: Phần lớn các bệnh viện ở nước ta được quy hoạch tổng mặt bằng theo dạng bố cục phân tán, dàn trải. Chỉ có một vài bệnh viện quy mô lớn và mới xây dựng, được hợp khối với tỷ trọng nén cao.
Phối cảnh thiết kế bệnh viện Nhi Thái Bình
Bệnh viện (BV) là cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe rất quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam. Hiện nay, số lượng BV đang được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạọ qua hàng trăm năm phát triển, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kiến trúc BV ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại những bất cập do hệ thống lý luận chưa hoàn chỉnh; trình độ và kinh nghiệm của kiến trúc sư thiết kế không đồng đều; điều kiện kinh tế, tài chính vẫn còn những hạn chế nhất định; nên không chỉ các BV cũ mà ngay cả các BV mới xây dựng cũng mắc phải những vấn đề tồn tại, bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của công nghệ KCB mới với các phương pháp chẩn đoán, kỹ thuật điều trị, dịch vụ hỗ trợ và các trang thiết bị y tế hiện đại. Cụ thể:
Về bố cục tổng mặt bằng: Phần lớn các BV ở nước ta được quy hoạch tổng mặt bằng theo dạng bố cục phân tán, dàn trải. Chỉ có một vài BV quy mô lớn và mới xây dựng, được hợp khối với tỷ trọng nén cao. Nhiều BV có bố cục tổng mặt bằng dạng hỗn hợp nhưng thực tế là hợp khối quy mô nhỏ, sự khác biệt với bố cục dạng phân tán không nhiều. Quy hoạch tổng mặt bằng dạng này có nhiều điểm bất lợi như: Hệ giao thông ngang quá dài; Khả năng phối hợp liên tác giữa các đơn vị chức năng kém; Hiệu quả sử dụng các không gian chức năng và trang thiết bị công cộng thấp; Khó ứng dụng các hệ thống thông minh trong quản trị tiếp cận và phân luồng; Tỷ trọng chi phí xây dựng cho phần móng lớn; Không gian tầng hầm và bán hầm bị chia cắt, khó khai thác các chức năng phụ trợ, dịch vụ; Mật độ xây dựng cao, diện tích cây xanh sân vườn thấp, tính sinh thái kém, gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực cho người sử dụng; Thiếu đất dự trữ cho phát triển tăng quy mô, trong khi đây là yêu cầu bắt buộc khi quy hoạch BV với tầm nhìn dài hạn.
Về dây chuyền sử dụng: Dây chuyền công năng tổng thể của nhiều BV còn chưa tường minh do vị trí nhiều khoa phòng chưa hợp lý, không tách biệt được luồng vận chuyển đồ bẩn với luồng giao thông sạch, vi phạm nguyên tắc phân luồng một chiều và cách ly trong BV. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sử dụng giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng phân tán. Bên cạnh đó, dây chuyền sử dụng của một số đơn vị chức năng còn những bất cập như: Dây chuyền khoa phẫu thuật chưa được phân luồng theo chu trình một chiều khép kín hoàn chỉnh, luồng di chuyển của y bác sỹ vẫn bị giao cắt giữa “sạch” và “bẩn” (bác sỹ mổ xong, đã nhiễm bẩn, phải đi ngược lại đường cũ để quay ra, xung đột với bác sỹ đang vào mổ đã được khử trùng); Các phòng khám truyền nhiễm bố trí chung với hệ khám thông thường; Dây chuyền cấp cứu khó triển khai quy trình cấp cứu tối khẩn cấp; Hồi sức tích cực được bố trí theo quan điểm phục vụ cấp cứu chứ không phải phục vụ bệnh nhân nội trú suy đa tạng; Các phòng xét nghiệm chưa áp dụng quy trình lấy mẫu phân tán và vận chuyển tự động; Khoa phụ – sản còn ghép chung dù bệnh lý cơ bản là khác nhau, chưa có không gian cho sàng lọc sơ sinh; Các khoa quản lý nhiễm khuẩn, dược và dinh dưỡng đã có nhiều thay đổi về nhiệm vụ và quy trình tác nghiệp nhưng không gian vẫn bố trí theo dây chuyền cũ v.v…
Phối cảnh quy hoạch tổng mặt bằng bệnh viện Sóc Trăng
Về cơ cấu và chỉ tiêu diện tích: Mặc dù các đơn vị chức năng trong BV đã được định danh và phân nhóm cụ thể nhưng cơ cấu và phân bổ diện tích còn nhiều bất cập; nhiều khoa phòng còn thiếu; các chức năng phụ trợ chưa được coi trọng. Hầu hết các BV đều không có khu dịch vụ hoặc có nhưng ở dạng tự phát. Các không gian cần thiết cho công nghệ y tế hiện đại (phòng mổ đặc biệt, mổ hybrid, mổ thần kinh, ghép tạng, robot, Peri-operative MRI,..) hầu hết chưa được tính đến. Không gian trong BV vừa thiếu (khu vực khám, nội trú, đợi), vừa thừa (phòng chuẩn bị, phụ trợ, phục vụ, trực, đón tiếp). Diện tích dành cho thân nhân chỉ được tính ở khu vực đợi mà không tính cho các nhu cầu khác, trong khi thực tế các bệnh nhân đều phải có thân nhân ở lại chăm sóc. Ngoài ra, còn nhiều đơn vị chức năng mới chưa được đề cập như đơn vị điều trị trong ngày, khám dịch vụ, xét nghiệm gene và tế bào gốc v.v…
Về giải pháp ngăn chia không gian: Không gian trong BV hiện nay phần lớn được ngăn chia “cứng” bằng tường xây, với các modul có kích thước đồng đều, dẫn đến kém linh hoạt và lãng phí trong quá trình sử dụng. Nhiều phòng chức năng như: khám tổng quát, siêu âm, chuẩn bị, phụ trợ thủ thuật, phụ trợ xét nghiệm, trực,.. được bố trí lớn hơn khá nhiều so với nhu cầu. Một số không gian lớn để triển khai nhiều giường bệnh (cấp cứu tập trung, hồi sức tích cực, lọc máu,..) không sử dụng các panel dạng thả nên hiệu quả bố trí giường bệnh chưa cao. Bên cạnh đó, giải pháp tường xây còn có nhiều bất lợi: Tải trọng lớn, không linh hoạt, thẩm thấu gây ô nhiễm, thời gian thi công lâu.
Về không gian cấu trúc: Sự phân bố các đơn vị chức năng theo tầng cao của nhiều BV hiện nay còn chưa tối ưu cho việc ghép nối liên tác giữa các đơn vị chức năng theo quy trình KCB hiện đại. Việc khống chế số tầng cao tối đa, cùng với yêu cầu diện tích sàn của các nhóm đơn vị chức năng trên mỗi tầng phải tương đồng, dẫn đến việc lựa chọn phối ghép các đơn vị chức năng còn chưa hợp lý. Điều này làm gia tăng đáng kể các di chuyển thừa dạng con lắc của bệnh nhân, thân nhân, nhân viên y tế, và càng làm cho việc quá tải ở hệ thống giao thông, hành lang, không gian đợi,.. thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, các BV hầu hết không làm tầng hầm hoặc bán hầm trong khi rất thiếu diện tích cho các chức năng dịch vụ, phụ trợ, cũng như tổ chức phân luồng “sạch – bẩn” theo cấu trúc tổng thể còn nhiều bất cập. Ngoài ra, không gian cấu trúc các đơn vị chức năng ở nhiều BV được thiết kế với chiều cao đồng đều cũng là bất hợp lý; Một số đơn vị chức năng lại có khoảng tĩnh không thấp, ảnh hưởng đến khả năng triển khai các trang thiết bị y tế mới.
Về khả năng đáp ứng các nhu cầu phát sinh: Không gian kiến trúc các BV hiện nay hầu hết đều chưa trù tính đến vấn đề “y học thảm họa” (dịch bệnh, ngộ độc quy mô lớn, tai nạn, thậm chí động đất, sóng thần,..) nên không có khu vực dự phòng để triển khai cùng lúc số lượng lớn giường bệnh phát sinh với quy trình điều trị không thường quy. Thực tế cho thấy, khi xảy ra thảm họa, nhiều BV đã phải kê giường bệnh ra hành lang và lối đi, gây xáo trộn và khó khăn cho các hoạt động chung. Bên cạnh đó, do việc áp dụng giải pháp bố cục tổng mặt bằng phân tán hoặc hợp khối quy mô nhỏ nên rất nhiều BV có mật độ xây dựng cao, không còn đất dự trữ phát triển khi có yêu cầu nâng quy mô số giường nội trú hoặc đầu tư xây dựng thêm các khu kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại.
Về khả năng cung cấp các dịch vụ KCB chất lượng cao: Do thường xuyên quá tải bởi diện tích thiếu; Không gian nội trú sơ sài, đơn dạng và thấp cấp; Không có các dạng phòng nội trú ít giường với đầy đủ tiện nghi, dịch vụ cao cấp và đủ không gian cho thân nhân; Cộng với việc sử dụng các công nghệ KCB và trang thiết bị y tế đã lạc hậu… nên rất nhiều BV hiện không đáp ứng được nhu cầu KCB với chất lượng cao của nhân dân. Trong khi thống kê sơ bộ cho thấy, hiện mỗi năm có tới hơn 40.000 lượt bệnh nhân, chi khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh.
Như vậy, có thể thấy về cơ bản, kiến trúc BV ở Việt Nam hiện nay chưa giải quyết thấu đáo mối quan hệ phụ thuộc giữa không gian kiến trúc với công nghệ y tế nên chưa chủ động đáp ứng được các yêu cầu của công nghệ y tế hiện đại nhằm đảm bảo phát triển một cách bền vững.
Thiết kế Kiến trúc bệnh viện Changi (Singapore)
Trong khi đó, kiến trúc BVĐK trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn so với thời kỳ đầu bởi sự tác động của khoa học kỹ thuật và các công nghệ KCB mới. Các quy trình và trang thiết bị y tế hiện đại đã trực tiếp làm biến đổi dây chuyền sử dụng và không gian kiến trúc của BV. Các giải pháp cô lập không khí, cách ly, khử trùng, chống lây nhiễm và các hệ thống trang thiết bị tiên tiến như điều hoà VRV, khí y tế trung tâm, robot, labo dạng modul, vận chuyển tự động, quản trị thông minh,.. ngày càng thông minh và đa dạng; vừa cho phép vừa đòi hỏi các khu chức năng phải hợp khối chặt chẽ để tối ưu trong hoạt động. Vì vậy, hầu hết các BV hiện đại mới xây dựng đều được hợp khối chặt chẽ các khu chức năng, với chỉ từ 2 đến 3 khối nhà cao tầng hoặc khối tích lớn (1 khối cho khám – kỹ thuật nghiệp vụ – cận lâm sàng và hành chính, 1 đến 2 khối cho nội trú, các chức năng phụ trợ khác được bố trí ở tầng hầm); Các khoa, phòng, đơn vị chức năng do đó được bố trí liên hoàn theo dây chuyền KCB nhưng độc lập, khép kín để thuận tiện trong tác nghiệp, phân luồng tường minh, cách ly nhằm hạn chế lây nhiễm chéo và đảm bảo vi khí hậu được kiểm soát; Giải pháp kiến tạo không gian linh hoạt, ngăn chia bởi các hệ vách kim loại, bê tông bọt, tấm 3D, vật liệu tổng hợp,.. không những giúp thi công nhanh, tải trọng nhẹ, mà còn giúp nhà quản lý có thể chủ động thay đổi không gian trong quá trình sử dụng; Vật liệu hoàn thiện ngày càng bền vững, an toàn, kháng khuẩn, sạch, cứng và trơ với hóa chất tẩy rửa, sát trùng,.. theo các tiêu chuẩn chuyên ngành mới của WHO và ISO; Các không gian nghiệp vụ đảm bảo vô trùng nhưng nội thất và màu sắc vẫn được phối trí thân thiện, ấm cúng; Phòng bệnh nhân bố trí ít giường với quan điểm khu điều trị nội trú phải là không gian lưu trú của bệnh nhân với các điều kiện sinh hoạt tương đương ở gia đình hoặc khách sạn; Sử dụng giải pháp tầng hầm và áp mái để cung cấp đủ diện tích cho các không gian dịch vụ như siêu thị, phụ trợ, đỗ xe ô tô v.v…
BV ở các nước tiên tiến giờ đây không còn bị quan niệm như là các “nhà máy chữa bệnh”, mà trở thành một cộng đồng trong đó bệnh nhân giữ vai trò là trung tâm. Do đó, kiến trúc BV phải tạo cho người sử dụng cảm giác an toàn, thoải mái, thư giãn và được tôn trọng; Cảnh quan và môi trường sinh thái (cây xanh, mặt nước, âm thanh, ánh sáng, các yếu tố nghệ thuật vật thể và phi vật thể khác,..) trong BV rất được chú trọng bởi các yếu tố này đều có tác động tích cực đến quá trình trị liệu và phục hồi của bệnh nhân, đồng thời giúp giảm stress cho nhân viên y tế. Ngoài ra, các BV cũng nỗ lực tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng thông qua việc ứng dụng các giải pháp, thiết bị tiết kiệm điện (tự động hóa, quản trị thông minh, điều hòa không khí hồi nhiệt tích hợp, đèn led,..); Các giải pháp thiết kế kiến trúc, cảnh quan,.. đảm bảo cân bằng nhiệt và đối lưu không khí tự nhiên (thông gió khe hẹp, thông gió hành lang, mặt đứng kiểm soát bức xạ chủ động, vật liệu bao che hybrid, cây xanh trong nhà, vườn đứng,..); Và tối đa hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiệt hồi,.. cho cấp nước nóng và thiết bị dẫn hướng, chiếu sáng hành lang, tầng hầm).
Kiến trúc vừa tạo tiền đề, vừa phải đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng các quy trình và công nghệ KCB mới trong BV. Do đó, trong tương lai gần, cần có những đột phá quan trọng và những thay đổi về “chất” trong công tác thiết kế, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những quan điểm mới, nhằm đưa kiến trúc BV ở Việt Nam tiệm cận với xu hướng BV hiện đại trên thế giới./.
KTS Hà Quang Hùng, Công ty Tư vấn & Thiết kế kiến trúc Việt Nam
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 5+6/2015