Đô thị thông minh là sự kết hợp hài hòa giữa CNTT và không gian đô thị, giúp cuộc sống người dân trở nên tiện nghi, an toàn và thoải mái hơn. Là một quốc gia tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh, Singapore bên cạnh tập trung cho nguồn lực CNTT đã áp dụng mô hình kiến trúc xanh nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đô thị thông minh.
Kiến trúc xanh bắt nguồn từ ý tưởng tích hợp cây xanh dọc theo bề mặt các tòa nhà. Đây là giải pháp thiết thực cho các vấn đề môi trường và góp phần hạn chế tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Những bức tường xanh, mái nhà xanh và vườn cây sẽ bảo vệ người trong tòa nhà khỏi tia cực tím, giúp giảm nhiệt độ phòng, từ đó tiết chế nhu cầu máy điều hòa, giảm sự xuất hiện khí carbon.
Một công trình xanh tiêu biểu trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh tại Singapore.
Ng San Son, giám đốc công ty Kiến trúc DP, Singapore nhận định: “Một thành phố với trình độ CNTT phát triển chưa thể gọi là thông minh nếu thiếu chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả”. Một khi kết hợp với kiến trúc xanh dọc, môi trường đô thị thông minh mới thực sự trở nên lý tưởng: cuộc sống người dân đô thị được cải thiện, tăng năng suất lao động và giảm tiêu thụ năng lượng. Đó mới là một đô thị thông minh trọn vẹn, ông bổ sung.
Công trình xanh nổi tiếng nhất Singapore
Singapore vốn nổi tiếng với Đô thị Vườn (Garden City), được công nhận trên toàn cầu với nỗ lực đầu tư phấn đấu trở thành quốc gia “thông minh” nhất trên thế giới, tính đến năm 2020. Một tòa chung cư 24 tầng do công ty CDL tại đây xây dựng đã lập kỷ lục Guinness với khu vườn treo lớn nhất thế giới. Được biết, chính quyền đảo quốc sư tử đã trợ cấp 50% chi phí xây dựng vườn treo cho khu chung cư này.
Một góc xanh của trung tâm thương mại Siam Paragon (Thái Lan)
Cây xanh cũng là yếu tố trọng điểm trong các dự án xây dựng của Singapore gần đây. Trong điều kiện vẫn phải nhập khẩu năng lượng, Singapore đã tìm cách tận dụng các nguồn tài nguyên có hạn để phát triển theo hướng năng lượng hiệu quả. Một số thành phố châu Á như Seoul, Bangkok cũng triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh bằng các công trình xanh như tòa nhà Siam Paragon tại Thái Lan.
Trong khi xu hướng này đang dần lan tỏa, các quốc gia phát triển tại châu Âu và Nam Mỹ đã áp dụng rộng rãi mô hình đô thị xanh. Chính quyền thành phố Paris gần đây đã vinh danh kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut vì giúp thủ đô nước Pháp đạt mục tiêu giảm 75% khí thải nhà kính cho tới năm 2050 bằng công trình tòa tháp 8 tầng với những bức tường xanh kết hợp công nghệ tái tạo các nguồn năng lượng như: tích hợp thiết bị tổng hợp năng lượng mặt trời, trang bị các turbin tận dụng năng lượng gió để phát điện.
Công trình xanh do KTS Vincent Callebaut thiết kế tại Paris
Bên cạnh những bức tường xanh, tận dụng không gian để trồng trọt cũng là đặc điểm then chốt trong các thiết kế xanh, thông qua trồng cây trên mái nhà. Bên cạnh ích lợi về môi trường, đây sẽ là một giải pháp cấp tiến nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực gia tăng tại thành thị. Một báo cáo của Liên Hợp quốc ước tính, giải pháp nông nghiệp hóa không gian đô thị này đang được 800 triệu người dân trên thế giới áp dụng, đóng góp 15% nguồn lương thực toàn cầu.
Theo KTĐT