Ngày 28/7/2014 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký Quyết định số 1588/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (QHXD vùng tỉnh) Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050. Để hiểu rõ về nội dung Quy hoạch này, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh về những nội dung liên quan.
Phóng viên: Đề nghị ông cho biết mục tiêu và tầm nhìn của QHXD chung tỉnh Quảng Ninh?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 (QHXD vùng tỉnh) do Sở Xây dựng làm Chủ đầu tư, Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) tư vấn lập quy hoạch đến nay đã hoàn thành, đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, Quy hoạch khẳng định Quảng Ninh là một cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ; là khu vực đầu mối quan trọng trong các tuyến hành lang kinh tế thuộc khu vực hợp tác kinh tế Việt – Trung. Quảng Ninh là trung tâm phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm cung cấp năng lượng cấp quốc gia; là cửa ngõ ra biển và ra quốc tế của khu vực, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia.
“Tới năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo môi trường bền vững; giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”. “Đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế; là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch – công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng di sản văn hóa, lịch sử quốc tế, di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới”.
Như vậy Quảng Ninh trở thành đầu tàu của cực tăng trưởng kinh tế Bắc bộ, là trung tâm của “hai vành đai, một hành lang” kinh tế, cửa ngõ của ASEAN ra Trung Quốc và ngược lại.
Bộ mặt đô thị Quảng Ninh ngày càng khang trang, hiện đại.
Phóng viên: Xin ông cho biết các chỉ tiêu chủ yếu dự báo phát triển vùng đến năm 2020, 2030 và ngoài 2050?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Theo Quy hoạch dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đến 2020 đạt khoảng 12-13%/năm; giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6-7%/năm. Cơ cấu GDP theo hướng dich vụ – công nghiệp; dịch vụ chiếm 51-52%, công nghiệp và xây dựng 45-46%, nông nghiệp 3-4%. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2020 đạt 8.000 USD – 8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD. Dân số năm 2020 là 1.668.000 người, năm 2030 đạt 1.990.00 người. Dự báo đất đô thị mới đến năm 2020 là 5.830ha; đến năm 2030 là 10.050 ha. Đất khu công nghiệp tập trung toàn tỉnh đến năm 2020 là 5.200ha, đến năm 2030 là 9.200ha. Đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 là 445.226ha, đến năm 2030 là 431.000ha. Định hướng phát triển, tổ chức không gian vùng tỉnh Quảng Ninh theo hướng: Phát triển vùng đô thị trung tâm Hạ Long (Hạ Long – Cẩm Phả – Hoành Bồ) là vùng đô thị trung tâm gắn kết 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh (tiểu vùng các khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, tiểu vùng Khu kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, tiểu vùng phía Tây, tiểu vùng Khu vực miền núi phía Bắc).
Trên cơ sở điều chỉnh thu gọn quy mô một số các KCN và CCN theo quy hoạch cũ đồng thời đề xuất một số KCN mới; trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 quy hoạch 14 KCN (điều chỉnh giảm 01 KCN, bổ sung 04 KCN mới so với quy hoạch các KCN đã được phê duyệt (11 KCN)) và 21 CCN (điều chỉnh giảm 20 CCN so với quy hoạch các CCN đã được phê duyệt (41 CCN)) với tổng diện tích đất các khu sản xuất công nghiệp tập trung khoảng 14.700ha. Trọng điểm phát triển thu hút đầu tư là Khu đô thị công nghiệp thông minh Quảng Yên; các khu công nghiệp Phương Nam, Đầm Nhà Mạc, Tiền Phong, Cái Lân, Việt Hưng, Nam Hoành Bồ, Hải Hà, Hải Yên… Từng bước thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời do ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng đô thị. Dừng việc mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng nằm trong khu vực đô thị, ven vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả, Thăng Long, Hạ Long, Lam Thạch) có ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như môi trường đô thị, môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch (lên phía Bắc đường cao tốc). Sau năm 2030, khi các nhà máy ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời, quỹ đất các nhà máy hiện có (Cẩm Phả, Lam Thạch, Hạ Long, Thăng Long) sẽ được sử dụng để tái thiết, phát triển đô thị. Lộ trình đến năm 2021, dừng khai thác Nhiệt điện Uông Bí 1. Sau năm 2030 di chuyển nhiệt điện Cẩm Phả 1-2 về khu vực Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà và phía Bắc đường cao tốc.
Các mỏ than chuyển dần từ khai thác than lộ thiên sang khai thác hầm lò theo đúng lộ trình trong quy hoạch đã được duyệt; sớm hoàn nguyên các mỏ than không còn hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu công viên cây xanh, các khu chức năng phục vụ đô thị… phù hợp với sự phát triển của du lịch và dịch vụ.
Phóng viên: Nội dung chủ yếu cho phát triển thương mại, du lịch và đô thị của Quảng Ninh?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Quảng Ninh sẽ xây dựng 1 trung tâm dịch vụ thương mại cấp quốc gia và đẳng cấp quốc tế tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái … Xây dựng các khu thương mại, dịch vụ du lịch cấp tỉnh tại 5 khu vực: Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà, Bình Liêu, Quảng Yên. Xây dựng khu thương mại có quy mô 35- 65 ha tại khu vực gần nút giao với đường cao tốc trên địa bàn huyện Đông Triều, Tiên Yên (sau khi đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long được xây dựng). Xây dựng các khu thương mại, dịch vụ cấp khu vực (quy mô 10-40 ha) tại các địa phương Cẩm Phả, Hoành Bồ, Cô Tô, Đầm Hà, Ba Chẽ, Uông Bí.
Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến năm năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10 triệu lượt; năm 2030 đạt 23 triệu lượt người. Phát triển không gian du lịch theo 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long, Móng Cái – Trà Cổ, Vân Đồn – Cô Tô và Uông Bí – Đông Triều – Quảng Yên. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển theo hướng hiện đại và văn minh; đến năm 2020 Vân Đồn – Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Phát triển, gắn kết khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng… Phát triển du lịch biển đảo tại Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Vạn Cảnh, Phượng Hoàng, Cô Tô…
Định hướng phát triển các đô thị và điểm dân cư nông thôn: Đến năm 2030, vùng đô thị Quảng Ninh gồm 16 đô thị và 76 điểm dân cư nông thôn; trong đó: 05 thành phố trực thuộc tỉnh: Hạ Long (đô thị loại I); Cẩm Phả (đô thi loại II); Uông Bí (đô thị loại II); Móng Cái (đô thị loại I); Quảng Yên (đô thị loại II). 2 đô thị loại II: Cái Rồng (Vân Đồn), Đông Triều. 2 đô thị loại III: Hải Hà, Tiên Yên. 5 đô thị loại IV: Thị trấn Trới (Hoành Bồ), thị trấn Đầm Hà (Đầm Hà), thị trấn Bình Liêu (Bình Liêu), thị trấn Ba Chẽ (Ba Chẽ), thị trấn Cô Tô (Cô Tô). 2 đô thị loại V: Thị trấn Hoành Mô – Đồng Văn (Bình Liêu), thị trấn Bắc Phong Sinh (Hải Hà).
Hệ thống các trường đại học: Duy trì, nâng cấp Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh hiện có tại Đông Triều và Quảng Yên; phân viện Trường Đại học Ngoại thương tại Uông Bí. Nâng cấp, hoàn thiện Trường Đại học Hạ Long tại Uông Bí và Hạ Long. Quy hoạch xây dựng mới 3 trường quốc tế (đa bậc học, có cả Đại học) tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái (thu hút đầu tư xã hội hóa) phục vụ cho con em người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, đào tạo nhân lực cho tỉnh và khu vực.
Duy trì, nâng cấp 11 bệnh viện hiện có. Quy hoạch, xây dựng mới 2 bệnh viện chuyên ngành: Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lão khoa với một viện dưỡng lão ở Hạ Long, Vân Đồn. Quy hoạch, xây dựng mới 3 bệnh viện quốc tế tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái (thu hút đầu tư xã hội hóa) phục vụ cho người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh, quy mô từ 150-1.000 giường bệnh/bệnh viện; đến năm 2020 đạt 3.650 giường bệnh, đến năm 2030 đạt 4.500 giường bệnh.
Giao thông đường bộ xây dựng các tuyến đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hạ Long – Móng Cái và tuyến Hải Phòng – Hạ Long; xây dựng tuyến đường ven biển kết nối với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Đường sắt: Hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân; xây dựng tuyến mới các đường sắt Hạ Long – Móng Cái; Lạng Sơn – Mũi Chùa; Uông Bí – Lạch Huyện. Đường thủy: Xây dựng hệ thống cảng vận tải hàng hóa, hành khách và các bến du thuyền… Cảng biển: Nâng cấp, cải tạo và mở rộng cảng Hòn Gai (cảng Cái Lân), cảng Vạn Gia, cảng Vạn Hoa – Mũi Chùa, cảng Cẩm Phả, cảng Hải Hà theo quy hoạch hệ thống cảng biển. Hàng không: Xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết – Vân Đồn với tổng diện tích đất dự kiến khoảng 300 ha; nghiên cứu và phát triển các sân bay có quy mô nhỏ phục vụ du lịch tại huyện đảo Cô Tô, TP Móng Cái, Hạ Long và các đảo nhỏ khác thuộc Khu kinh tế Vân Đồn.
Đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị để thực hiện xây dựng Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn theo Đề án đang được trình duyệt, khi đủ điều kiện thì vận dụng mở rộng sang khu vực huyện Cô Tô, tiến tới thống nhất việc mở rộng Khu kinh tế Vân Đồn – Cô Tô.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Nguồn: baoxaydung.com.vn